Vụ khủng hoảng Nước sạch Sông Đà: Dễ bị dị nghị có cạnh tranh "bẩn"

(Dân trí) - Chuyên gia đặt câu hỏi: "Có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây để chiếm thị phần hay không? Quả thực đó là vấn đề đặt ra nhiều dị nghị. Không có chứng cứ, chả ai có thể khẳng định nhưng dị nghị thì quả thực có đấy".

Vụ khủng hoảng Nước sạch Sông Đà: Dễ bị dị nghị có cạnh tranh bẩn - 1

TS Nguyễn Sĩ Dũng.

Phát biểu tại toạ đàm "Thị trường hoá dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà", TS Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dí dỏm ví, cảnh người xếp hàng lấy nước vừa qua tại Hà Nội nhìn "tưởng như nước Nhật sau cơn sóng thần".

Theo ông Dũng, sự kiện này ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng nhưng chủ thể là Công ty Nước sạch Sông Đà đã phản ứng quá chậm.

"Sau một thời gian dài mới lên tiếng, người nào uống thì uống no rồi, ảnh hưởng thì ảnh hưởng rồi mới ra thông báo ngừng sử dụng. Như vậy có thể thấy, phản ứng với sức khoẻ, sinh mệnh người dân là rất chậm", ông nói.

Đáng lưu ý, vị chuyên gia đặt câu hỏi: "Tôi nói có chuyện giấu diếm về chất lượng của nước, thiếu tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong cung cấp dịch vụ công không? Có hàng loạt câu hỏi có thể đặt ra".

Tương tự, ông cũng cho rằng, phản ứng của chính quyền ở đây cũng chậm.

"Dịch vụ công bao giờ cũng thấy cho tư nhân cung cấp thì chính quyền có trách nhiệm, phải kiểm tra. Với các dịch vụ công, vai trò của chính quyền rất lớn dù trực tiếp cung cấp hay không. Dù gì cũng liên đới về quản lý chất lượng và phản ứng trước cách thức cung cấp dịch vụ công", ông nói và cho rằng có vẻ ở đây "chính quyền chậm hơn cả doanh nghiệp". 

Chuyên gia này cũng một lần nữa đặt hàng loạt câu hỏi: "Chưa hết chúng ta thấy chuyện đổ dầu thải vào nguồn lấy nước làm nước sạch Sông Đà là hành vi cố ý hay không? Có động lực để đổ vào gây hại cho hệ thống không? Có chuyện cạnh tranh giữa các công ty nước sạch giữa thị trường béo bở này không?".

Ông cho rằng, thị trường nước cho tư nhân cung cấp là thị trường béo bở bởi nếu như cafe có thể nay uống mai không, đi du lịch có thể năm nay đi năm sau không, nhưng nước hay điện thì cầu gần như không thay đổi.

"Làm kinh tế thị trường, kinh doanh có nguồn cầu ổn định, nguồn cầu lớn thì đó là cơ hội vàng, miếng bánh là vô cùng. Có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây để chiếm thị phần hay không? Quả thực đó là vấn đề đặt ra nhiều dị nghị. Không có chứng cứ, chả ai có thể khẳng định nhưng dị nghị thì quả thực có đấy", ông nói.

Theo ông Dũng: "Mỗi dịch vụ công như nước vừa rồi đặt ra nhiều vấn đề liên quan cả về khái niệm dịch vụ công, trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công, cả trách nhiệm của người quản lý và cả những động lực đằng sau để thúc đẩy". 

"Hàng hoá công thì Nhà nước không bao giờ được mặc kệ, phải vào quản lý chất lượng, quản lý để đạt sự công bằng. Thị trường, doanh nghiệp người ta chỉ hướng tới lợi nhuận thôi. Chức năng quan trọng của nhà nước là cung cấp sự công bằng, chỉ Nhà nước mới có năng lực làm việc đó. Không thể cung cấp nược sạch mà dân Hà Nội người có nược sạch người không", ông nhấn mạnh.

TS Nguyễn Sĩ Dũng nói về miếng bánh bẻo bở mà thị trường nước mang lại.

Phương Dung