Vụ “nước bẩn” Sông Đà: Người dân phải được bồi thường thiệt hại!

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, trong vụ nước nước bẩn Sông Đà, khi xác định được đối tượng phạm tội thì phải xử lý ở mức cao nhất. Hàng trăm nghìn hộ dân bị xâm hại, bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Người dân phải được bồi thường thiệt hại.

Chiều 22/10, trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội về sự cố nước bẩn Sông Đà xảy ra tại Hà Nội vừa qua, Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - đã nhấn mạnh tới các yếu tố cạnh tranh, văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm bồi thường. 

- Phóng viên: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, trong sự việc nước “bẩn” Sông Đà những ngày qua có yếu tố doanh nghiệp “chơi” nhau, phá hoại hoạt động kinh doanh của đối thủ. Quan điểm của ông như thế nào?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Việc này phụ thuộc vào kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, từ đó mới xem xét có yếu tố tác động tới vi phạm thế nào, nguyên nhân ra sao, khởi nguồn từ đâu.

Vụ “nước bẩn” Sông Đà: Người dân phải được bồi thường thiệt hại!  - 1
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Trong vụ việc này có hành vi rất kỳ lạ, một điều bất thường, đó là việc chuyển dầu thải từ nơi này tới nơi khác đổ và đổ đúng vào nguồn nước, đổ đúng lúc một nguồn cung cấp nước khác đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào thị trường. Vì vậy, dư luận có quyền nghi ngờ về việc “chơi bẩn” của các doanh nghiệp.

Dù vậy, theo tôi phải dựa trên những kết quả khai thác các đối tượng đã tạm giữ để xác minh cho đủ căn cứ. Khi chưa có kết quả điều tra từ cơ quan chức năng thì tất cả chỉ là suy đoán, là cảm tính.

- Ông có cho rằng ở đây có hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp không?

Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn thường xảy ra trong các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chủ thể của các hoạt động dịch vụ kinh doanh, khi muốn chiếm lĩnh thị trường, muốn độc quyền trong phân phối sản phẩm hàng hoá.

Pháp luật không cấm các doanh nghiệp cạnh tranh, như hình thức tiết giảm chi phí để giảm giá thành, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng... Đó là cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh để phát triển và được xã hội khuyến khích.

Còn cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật đó là dùng các chiêu thức, thủ đoạn để triệt hạ đối thủ và đưa hàng hóa của mình ra chiếm lĩnh thị trường, tìm cách buộc người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa của mình.

Tôi cho rằng cần phải xem xét rõ mục đích, động cơ và bản chất của sự việc, xem xét mức độ vi phạm để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

- Chưa có kết quả điều tra, nhưng hậu quả “nhãn tiền” là hàng trăm nghìn hộ dân tại nhiều quận của Hà Nội phải chịu thiệt hại nặng nề vì nguồn nước “bẩn”, đó là sự thật. Tuy nhiên, Công ty nước sạch Sông Đà “từ chối” xin lỗi đã người dân khiến dư luận thêm phẫn nộ. Ở nước ngoài, với sự việc tương tự thì doanh nghiệp sẽ phải bồi thường cho khách hàng hoặc bị khởi kiện. Ông có bình luận gì về việc này?

Hành vi của doanh nghiệp cung cấp nguồn nước phản ánh văn hóa doanh nghiệp. Việc từ chối xin lỗi người dân, xin lỗi khách hàng đó là văn hóa ứng xử không lành mạnh, không nên. Theo tôi, họ cần có có thái độ cầu thị trước những vi phạm, dù là vi phạm từ bên ngoài hoặc có yếu tố khách quan hoàn toàn.

Vụ “nước bẩn” Sông Đà: Người dân phải được bồi thường thiệt hại!  - 2
Cuộc sống của người dân Hà Nội bị đảo lộn vì nước bẩn Sông Đà (ảnh: Toàn Vũ)

Ông Tổng giám đốc của Công ty nước sạch Sông Đà nói rằng họ là người bị hại, nhưng ông chưa chứng minh được doanh nghiệp mình bị hại do tác động nào từ bên ngoài. Trong khi đó, hậu quả nhãn tiền là hàng trăm nghìn hộ dân, người tiêu dùng bị thiệt hại bởi sản phẩm do ông cung cấp thì ông vẫn phải xin lỗi. 

Công ty nước sạch và người dân sử dụng nước là quan hệ mua - bán, đó là quan hệ giữa khách hàng với đơn vị cung cấp dịch vụ, vì vậy doanh nghiệp cần phải cách cư xử cho đúng với bản chất của mối quan hệ này, phải có cách ứng xử bằng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh.

- Người dân mất tiền mua nước sạch nhưng nhận được nước bẩn, cuộc sống đang yên đang lành “bỗng dưng” bị đảo lộn, thế nhưng không được xin lỗi, không được bồi thường. Vậy ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về việc này thưa ông?

Phải làm rõ bản chất của sự việc vi phạm pháp luật này. Một sự việc nghiêm trọng xảy ra phải xem xét tới 4 yếu tố cấu thành tội phạm, khi biết lỗi cấu thành tội phạm rồi thì sẽ xác định được nguyên nhân chính gây ra hậu quả.

Đó là: Chủ thể của hành vi vi phạm - việc này đang được làm rõ; về chủ quan là lỗi cố ý hay vô ý, trong sự việc này rõ ràng là lỗi cố ý đổ dầu thải và biết nước bẩn vẫn cố ý bán cho dân; khách thể bị xâm hại ở đây là sức khỏe và tính mạng của rất đông người dân sử dụng nước, là trật tự quản lý Nhà nước về môi trường, về an ninh nguồn nước; sự việc vi phạm đã xảy ra.

Về trách nhiệm chung, tôi cho rằng phải truy cứu theo các tội danh được pháp luật quy định. Về bồi thường, người nào gây ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ở đây, hậu quả liên đới tới công ty nước sạch Sông Đà - doanh nghiệp này có trách nhiệm kiểm soát nguồn nước, kiểm soát chất lượng nước hàng ngày... 

- Như ông vừa nói thì bản chất vấn đề lại càng thêm sáng tỏ, bởi rõ ràng Công ty nước sạch Sông Đà biết nguồn nước bị đổ dầu thải nhưng làm ngơ, biết nước không đảm bảo an toàn nhưng vẫn bán cho người dân, do đó họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân? 

Đúng như vậy. Trách nhiệm và bổn phận của công ty nước sạch Sông Đà là phải kiểm soát được chất lượng nguồn nước, kiểm tra chất lượng nước cung cấp cho người dân. 

Vụ “nước bẩn” Sông Đà: Người dân phải được bồi thường thiệt hại!  - 3
Công ty nước sạch Sông Đà biết nguồn nước bẩn nhiễm dầu thải nhưng làm ngơ và tiếp tục cấp bán cho người dân (ảnh: Thái Bá)

Ở đây, công ty này đã biết trước mọi việc, nhưng thay vì ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời thì họ vẫn tiếp tục cấp bán cho người dân như bình thường. Sau 7 ngày, khi sự việc vỡ lở thì doanh nghiệp quay ra thanh minh và không xin lỗi. 

Trong vụ việc này, khi xác định được đối tượng phạm tội thì phải xử lý ở mức cao nhất. Hàng trăm nghìn hộ dân bị xâm hại, đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng, đó hậu quả nặng nề, người dân phải được bồi thường thiệt hại. 

- Nếu người dân không được bồi thường thì sao thưa ông?

Tôi cho rằng trước hết các cơ quan hữu trách của Nhà nước phải vào cuộc và yêu cầu các chủ thể vi phạm, gây thiệt hại cho người dân phải thực hiện trách nhiệm bồi thường. Nếu không có sự can thiệp của cơ quan chức năng thì người dân có quyền khởi kiện, thậm chí là khởi kiện cả chính quyền vì không bảo vệ quyền lợi của họ.

- Xin cảm ơn ông!  

Châu Như Quỳnh (thực hiện)