Tiêu điểm kinh tế tuần qua:
Vốn Trung Quốc “đổ bộ”, nhà thầu Trung Quốc áp đảo vòng sơ tuyển cao tốc Bắc Nam
(Dân trí) - Những thông tin liên quan tới dòng vốn Trung Quốc và sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc tại các dự án lớn tiếp tục gây chú ý tuần vừa qua. Riêng tại cao tốc Bắc - Nam, tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng là đấu thầu công khai quốc tế, minh bạch, không thất thoát, không tiêu cực, chọn nhà thầu có năng lực.
Trung Quốc ồ ạt đổ hơn 1,7 tỷ USD vào Việt Nam, mỗi dự án chỉ dưới 5 triệu USD
Tổng cục Thống kê cho biết, trong 7 tháng qua , các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ lượng vốn hơn 1,78 tỷ USD vào Việt Nam, đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chiếm khoảng 21% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Tuy nhiên, nếu cộng cả vốn từ lãnh thổ Đài Loan 359 triệu USD và Đặc khu hành chính Hồng Kông (991 triệu USD), vốn của các nhà đầu tư liên quan đến Trung Quốc là 3,1 tỷ USD, gấp 2 lần vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc, gấp gần 3 lần vốn nhà đầu tư Nhật Bản và hơn 4 lần so với các nhà đầu tư Singapore - những đối tác luôn có lượng vốn đổ vào Việt Nam rất nhiều thời gian trước đây.
Điều đáng lo ngại hiện nay chính là vốn Trung Quốc phân bố nhỏ lẻ, theo Tổng cục Thống kê, với 1,78 tỷ USD, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc trải đều ra hơn 364 dự án, mỗi dự án trung bình dưới 5 triệu USD (hơn 112 tỷ đồng).
Hiện Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê - những cơ quan đầu mối về thu hút FDI chưa có báo cáo chi tiết luồng vốn Trung Quốc đầu tư vào những ngành nào là chủ yếu, tỷ lệ ra sao.
Hợp đồng EPC từ Trung Quốc: Hàng loạt bất ổn làm méo mó dự án
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do tổng thầu EPC Trung Quốc thi công liên tục chậm tiến độ. Ảnh: Mạnh Thắng
VEPR khảo sát 40 nhà máy nhiệt điện đã và đang xây dựng. Dù chỉ có 6 dự án nhiệt điện thực hiện theo diện tổng thầu nhưng giá trị hợp đồng EPC của Trung Quốc chiếm tới 69% tổng nguồn vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Trong quá trình xây dựng thực tế, tổng thầu EPC của Trung Quốc bộc lộ hàng loạt bất ổn. Gần 65% số dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ. Trong khi đó, nhà thầu Hàn Quốc không có dự án nào chậm tiến độ, của Nhật Bản chỉ 40% bị chậm tiến độ.
Với nhà máy thuỷ điện, việc chậm tiến độ do tổng thầu Trung Quốc rất phổ biến. Cả nước có 8 nhà máy thuỷ điện chậm tiến độ, trong đó có tới 5 nhà máy do nhà thầu Trung Quốc triển khai.
Một trong những ví dụ điển hình của việc chậm tiến độ dự án do tổng thầu EPC Trung Quốc là Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ gần 5 năm so với dự kiến ban đầu. Đặc biệt, dự án này còn xảy ra hàng loạt sự cố.
Từ thực tế nghiên cứu này, Viện trưởng VEPR-TS Nguyễn Đức Thành kiến nghị, cơ quan chức năng mở rộng khái niệm về đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam cần bổ sung thêm dòng vốn từ dự án EPC .
“Việt Nam khó có thể ngăn chặn vốn Trung Quốc nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra giám sát công trình không sát sao”, ông Thành khuyến cáo.
Nhà thầu Trung Quốc áp đảo vòng sơ tuyển cao tốc Bắc Nam: Bộ Giao thông, Văn phòng Chính phủ nói gì?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến đấu thầu tuyến đường cao tốc Bắc Nam và việc nhà đầu tư Trung Quốc áp đảo trong sơ tuyển đang gây lo ngại cho dư luận.
Thứ trưởng Đông khẳng định: Đây là dự án đối tác công tư (PPP), theo Luật Đấu thầu phải thực hiện đấu thầu quốc tế. “Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu trường hợp có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cấp thẩm quyền quyết định. Chúng ta đang giai đoạn sơ tuyển, sau đó mới đánh giá sơ tuyển, mới chuyển sang bước đấu thầu, chính thức lựa chọn nhà thầu”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết: Chính phủ rất quan tâm đến hồ sơ mời thầu tuyến đường cao tốc Bắc Nam.
Đây là tuyến đường rất quan trọng, có cả hồ sơ trong và ngoài nước, vì vậy tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng là đấu thầu công khai quốc tế, minh bạch, không thất thoát, không tiêu cực, chọn nhà thầu có năng lực. Thủ tướng yêu cầu rà soát loại toàn bộ dự án để đảm bảo các tuyến đấu thầu có doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Vụ Asanzo: Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia hứa làm rõ đúng sai của doanh nghiệp
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia
Vụ Asanzo đang giao cho các bộ, ngành chức năng điều tra làm rõ. Kết quả sẽ thông báo với phương tiện thông tin truyền thông báo với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm, bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Đây là khẳng định của ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng hàng giả, gian lận thương mại) tại Họp báo chuyên đề về kết quả chống buôn lậu, hàng giả 6 tháng đầu năm 2019 tại Hà Nội.
Trả lời về thông tin và đánh giá sơ lược của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý Quản lý thị trường và đại diện C03 Bộ Công an về vụ việc Asanzo, ông Đàm Thanh Thế khẳng định: Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã giao vụ việc này cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để tập trung phối hợp để xác định làm rõ những hành vi đúng sai của doanh này.
“Theo quy định, đến 30/8 sẽ có kết luận chính thức ”, ông Thế nói.
Sau nhiều vụ “đội lốt” hàng Việt, Bộ Công Thương ra dự thảo thông tư “Made in Vietnam”
Bộ Công Thương ban hành dự thảo thông tư Made in Vietnam
Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Với bộ tiêu chí mới ban hành tại dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương đã nêu rõ hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó khi đáp ứng quy định tại thông tư.
Ngoài ra, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản phẩm Việt Nam", "Hàng hóa của Việt Nam" hoặc "Hàng hóa Việt Nam" hoặc "Hàng Việt Nam", "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam sản xuất", "Chế tạo tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tạo"; "Chế tác tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tác" để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
“Về nguyên tắc, thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43”, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định.
Mai Chi (tổng hợp)