Nhà thầu Trung Quốc áp đảo vòng sơ tuyển cao tốc Bắc Nam: Bộ Giao thông, Văn phòng Chính phủ nói gì?

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến đấu thầu tuyến đường cao tốc Bắc Nam và việc nhà đầu tư Trung Quốc áp đảo trong sơ tuyển đang gây lo ngại cho dư luận

Về công tác sơ tuyển, đấu thầu có nhiều hồ sơ nhà thầu Trung Quốc áp đảo ở một dự án quan trọng của quốc gia, có yếu tố an ninh, quốc phòng, Thứ trưởng Đông khẳng định: Đây là dự án đối tác công tư (PPP), theo Luật Đấu thầu phải thực hiện đấu thầu quốc tế.

Nhà thầu Trung Quốc áp đảo vòng sơ tuyển cao tốc Bắc Nam: Bộ Giao thông, Văn phòng Chính phủ nói gì? - 1

Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Ngọc Đông

"Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu trường hợp có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cấp thẩm quyền quyết định. Chúng ta đang giai đoạn sơ tuyển, sau đó mới đánh giá sơ tuyển, mới chuyển sang bước đấu thầu, chính thức lựa chọn nhà thầu", Thứ trưởng Đông nói.

Ông Đông thông tin: "Bộ GTVT mới tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với quy định của pháp luật, Quốc hội".

Về vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Chính phủ rất quan tâm đến hồ sơ mời thầu tuyến đường cao tốc Bắc Nam. Đây là tuyến đường rất quan trọng, có cả hồ sơ trong và ngoài nước, vì vậy tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng là đấu thầu công khai quốc tế, minh bạch, không thất thoát, không tiêu cực, chọn nhà thầu có năng lực.

Nhà thầu Trung Quốc áp đảo vòng sơ tuyển cao tốc Bắc Nam: Bộ Giao thông, Văn phòng Chính phủ nói gì? - 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

"Thủ tướng yêu cầu rà soát loại toàn bộ dự án để đảm bảo các tuyến đấu thầu có doanh nghiệp Việt Nam tham gia", Bộ trưởng Dũng nói.

Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ khẳng định: Hiện trong tuyến đường 654km cao tốc Bắc Nam có 11 dự án, thì có 3 dự án sẽ được khởi công ngay (2 dự án được khởi công vào tháng 10/2019, 1 dự án cuối quý 1 và đầu quý 2 2020). 8 dự án khác sẽ được xem xét lại đoạn tuyến, vấn đề nhạy cảm đến quốc phòng an ninh, tất cả vấn đề chất lượng, an toàn.

"Về lâu dài phải xem xét vấn đề an ninh trật tự và lòng dân của các dự án. Chính vì vậy, Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo vấn đề này, Bộ GTVT cũng tham mưu với Chính phủ về vấn đề nói trên". ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kể: Thời gian vừa qua Thủ tướng đã rất quyết liệt về chất lượng các dự án đường bộ. "Tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai 2008, đến 3/2018 thay đổi một số vấn đề trong chỉ đạo điều hành, trong đó thay đổi cơ quan thẩm quyền từ Bộ GTVT sang tỉnh Tiền Giang, rà soát toàn bộ chất lượng nhà đầu tư, nhà đầu tư 0 đồng loại bỏ luôn; đến tháng 3/2019, mới hoàn thành 75% khối lượng thi công... Thủ tướng báo cáo Quốc hội hoàn thành tuyến đường này vào năm 2020", Bộ trưởng Dũng cho hay.

Về thông tin cho rằng tiêu chí đấu thầu của một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc Nam quá khó, khiến các nhà đầu tư trong nước bị loại, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Các đoạn tuyến có tiêu chí để đảm bảo hiệu quả cho nhà đầu tư.

Cụ thể, ông Đông cho rằng về tiêu chí đấu thầu, sơ tuyển, đối với dự án trên, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Quốc hội sau đó xác định những đoạn ưu tiên thực hiện 2018 - 2020 - 2021 với chiều dài 8 dự án phân chia.

"Trong phân chia dự án sẽ phải có đánh giá tiêu chí rất kỹ, xác định các đoạn này sẽ đầu tư BOT có thu phí nên phải xem xét tính hiệu quả của dự án. Các dự án phải có kết nối với trung tâm, đường hiện hữu, đô thị, đường quốc lộ 1A...", ông Đông nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, với tiêu chí như vậy thì dự án BOT phải ngắn, phải tối thiểu nhất có thể để đảm bảo hiệu quả, thu phí và hoàn vốn để tư nhân tham gia.

Theo ông Đông, các công đoạn sơ thầu, đấu thầu sẽ được Bộ GTVT báo cáo lên Chính phủ; quy định vốn bao nhiêu sẽ là đối tác công tư? Dự án bao nhiêu sẽ quy định vốn chủ sở hữu/tổng vốn? Ở trường hợp cụ thể của các đoạn tuyến trên hành lang phía đông của cao tốc Bắc Nam, quy định doanh nghiệp phải có 20% vốn sở hữu trên tổng vốn đầu tư mới cho phép đấu thầu sơ tuyển. Tiêu chí này đảm bảo tính khả thi, thu hồi vốn, mức tỷ lệ vốn điều lệ tham gia, ngoài ra còn để vay vốn.

Nguyễn Tuyền