Sau nhiều vụ “đội lốt” hàng Việt, Bộ Công Thương ra dự thảo thông tư “Made in Vietnam”

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lấy ý kiến, góp ý...

Sau nhiều vụ “đội lốt” hàng Việt, Bộ Công Thương ra dự thảo thông tư “Made in Vietnam” - 1
Bộ Công Thương ban hành dự thảo thông tư Made in Vietnam.

Thiếu vắng quy chuẩn "made in Vietnam"

Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Hiện nay với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, vẫn chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp được tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, việc này đã dẫn tới phát sinh nhiều bất cập.

Với bộ tiêu chí mới ban hành tại dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương đã nêu rõ hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó khi đáp ứng quy định tại thông tư.

Ngoài ra, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản phẩm Việt Nam", "Hàng hóa của Việt Nam" hoặc "Hàng hóa Việt Nam" hoặc "Hàng Việt Nam", "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam sản xuất", "Chế tạo tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tạo"; "Chế tác tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tác" để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

“Về nguyên tắc, thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43”, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định.

Thế nào là hàng hoá không phải Made in Việt Nam?

Theo quy định hiện hành, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa. Doanh nghiệp được tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa

Còn theo quy định mới tại dự thảo, hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam sẽ được áp dụng khi hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa” và tiêu chí “Hàm lượng giá trị gia tăng” đối với nguyên liệu sản xuất đầu vào có xuất xứ Việt Nam.

Các công đoạn gia công, chế biến đơn giản khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn như: bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho, lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại, sơn, chia cắt ra từng phần, thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.

Hàng hóa cũng bị coi không phải hàng của Việt Nam khi chỉ dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự hay lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Nguyễn Mạnh