TPHCM:
Viện Kiểm sát kiên quyết buộc Huyền Như bồi thường gần 4.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Đại diện VKS tranh luận với các luật sư cho rằng chính ngân hàng ACB đã hợp tác nhiệt tình giúp Huyền Như chiếm đoạt tiền. Do vậy, Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chứ không phải là Vietinbank.
Sáng 22/1, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa tiếp tục đối đáp lại những ý kiến của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, bị cáo… trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Trách nhiệm bồi thường là của Huyền Như
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Mỹ lần đầu trở thành bạn hàng lớn nhất của Nhật... |
Tại tòa, luật sư của ACB đưa ra bằng chứng là thông báo số dư tài khoản mang tên Phạm Công Hoàng và cho rằng đây là tình tiết mới chứng minh tài khoản của ACB đã vào tài khoản Vietinbank và buộc Vietinbank bồi thường. VKS cho rằng đây không phải là tình tiết mới vì đã được cơ quan điều tra cập nhật.
VKS chứng minh rằng, số tiền 718 tỷ đồng đã được Huyền Như làm giả 65 thẻ tiết kiệm để rút tiền tại Vietinbank chi nhánh Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên, số dư mà luật sư cung cấp là do Như chưa kịp chiếm đoạt thì vụ án đã bị phanh phui nên mới tồn tại số dư này. Chính vì vậy, VKS khẳng định cáo trạng truy buộc các bị cáo là có căn cứ, Như phải có trách nhiệm bồi thường cho ACB.
Với phần của công ty chứng khoán Sài Gòn SBBS thì luật sư vẫn cho rằng bị hại là Vietinbank chứ không phải thân chủ của mình. SBBS cũng từ chối trách nhiệm là bị hại của bị cáo Huyền Như. Đại diện VKS cho rằng, việc chấp thuận hay từ chối tư cách của mình trong vụ án là quyền của công ty nhưng VKS vẫn phải bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật. Với trách nhiệm của mình, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
VKS giữ nguyên quan điểm truy tố
Luật sư bào chữa cho 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên cho rằng thân chủ mình không sai, không có lỗi và yêu cầu Vietinbank phải bồi thường.
VKS cho rằng, 3 công ty trên chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi đại diện 3 công ty đã buông lỏng trong giao dịch, quản lý, giám sát dẫn đến thiệt hại số tiền trên 1.500 tỷ đồng.
“Trong thời gian dài nhưng 3 công ty không hề thắc mắc tại sao số tiền chuyển vào tài khoản Vietinbank Nhà Bè nhưng tiền lại nằm ở chi nhánh Điện Biên Phủ. Nếu không có khoản lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng, nhận tiền ngay thì các công ty này có giao tiền cho Như không. Lỗi của ba công ty chứ không phải lỗi của Vietinbank. Đại diện các công ty trên không hoàn thành trách nhiệm của mình sau đó lại đổ lỗi cho Vietinbank không kiểm soát được tức là họ đã giao cho Vietinbank cái không có thật thì Vietinbank không thể quản lý được”, VKS nói.
Đại diện VKS khẳng định trong vụ án này Huyền Như chính là đối tượng trực tiếp lừa đảo và chiếm đoạt số tiền. ACB, SBBS là bị hại và Huyền Như có trách nhiệm bồi thường khoản tiền đã trục lợi chứ không phải Vietinbank.
Đối với phần bào chữa của các luật sư bảo vệ cho các bị cáo khác trong vụ án, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố do các bị cáo tạo điều kiện thuận lợi để Như chiếm đoạt tiền.