1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sếp công ty nghìn tỷ giục cổ đông đi họp, cổ đông không đi, họp thất bại

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Một tuần trước khi diễn ra cuộc họp, Chủ tịch HĐQT có thư gửi cổ đông, bày tỏ mong muốn cổ đông tham dự theo hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền... Tuy nhiên, thực tế cuộc họp vẫn không thành.

Chiều nay (28/6), Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group - mã chứng khoán: DIG) tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2023. Công ty có vốn điều lệ gần 6.100 tỷ đồng, phát triển các dự án bất động sản ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam...

Tuy nhiên, tính đến 14h40, đại hội có 535 cổ đông tham dự, đại diện cho 36,91% vốn điều lệ. Phiên họp đại hội không đủ điều kiện tiến hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty (được tiến hành khi cổ đông tham dự đạt trên 50% số cổ phiếu có quyền biểu quyết).

Chia sẻ với cổ đông tham dự đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn cho biết cuộc họp ĐHCĐ thường niên lần 2 dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 21/7.

Sếp công ty nghìn tỷ giục cổ đông đi họp, cổ đông không đi, họp thất bại - 1

Cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023 của DIC Corp không đủ điều kiện tiến hành lần 1 (Ảnh: Khổng Chiêm).

Một tuần trước khi diễn ra đại hội, ông Nguyễn Thiện Tuấn gửi thư tới cổ đông. Để cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đủ điều kiện tiến hành theo quy định, ông Tuấn thổ lộ luôn mong muốn cổ đông trực tiếp tham dự, tham gia góp ý, thảo luận các vấn đề trình đại hội để công ty ngày càng phát triển, mang lại lợi ích trong cổ đông.

Trường hợp cổ đông không thể trực tiếp tham dự, công ty mong muốn cổ đông ủy quyền cho người khác có điều kiện trực tiếp tham dự, hoặc ủy quyền cho HĐQT DIC Group thực hiện quyền và nghĩa vụ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Đây không phải lần đầu tiên DIC Corp khó thành công trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên lần 1. Trước đó, cuộc họp ĐHCĐ bất thường năm 2022 tổ chức vào ngày 14/9 cũng không đủ tỷ lệ tiến hành và phải thực hiện vào lần 2 (ngày 12/10/2022).

Tính đến ngày 31/12/2022, DIC Corp có 3 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thiện Tuấn (7,68% vốn), ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch HĐQT (8,85% vốn), Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân (11,21% vốn).

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT trình kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng 98% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, tăng tới 604%, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ cổ tức dự kiến từ 8% đến 15%. Vốn điều lệ 6.500 - 7.000 tỷ đồng.

Kế hoạch 5 năm (2023-2027), các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, vốn đầu tư, cổ tức đều có mức tăng trưởng 15-30% so với giai đoạn 5 năm trước đó (2018-2022).

Ban lãnh đạo công ty đánh giá năm 2023 tiếp tục có nhiều khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Ngoài vấn đề suy thoái kinh tế thế giới, một số vấn đề trong nước cũng đáng lưu ý như chính sách hạn chế tín dụng, lãi suất tăng cao, giá cả nguyên vật liệu tăng cao so với trước đây.

Tuy nhiên từ năm 2024-2025 trở đi, tình hình sẽ có nhiều khởi sắc. Công ty có thể được bổ sung nguồn thu từ các dự án như khu dân cư thương mại Vị Thanh - Hậu Giang (1.000 tỷ đồng), khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc (giai đoạn 1, hơn 1.000 tỷ đồng), khu nhà ở Lam Hạ Center Point - Hà Nam (hơn 1.000 tỷ đồng), điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Hồ Ba Hang (250 tỷ đồng)… toàn bộ sẽ được hạch toán năm 2023 và 2024.

Một nội dung quan trọng khác là HĐQT trình cổ đông điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án khu trung tâm Chí Linh, TP Vũng Tàu từ hơn 1.100 tỷ đồng lên hơn 9.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ các tổ chức tín dụng hơn 4.143 tỷ đồng, chiếm 43% tổng vốn đầu tư; vốn tự bổ sung của doanh nghiệp hơn 5.480 tỷ đồng.

Theo tài liệu công ty, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, được Bộ Xây dựng phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 vào 2009 và điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2016, theo đó tổng mức đầu tư được duyệt năm 2009 hơn 1.113 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến hết năm 2023. DIC Corp có trách nhiệm ứng trước tiền để chi trả cho các hộ dân theo các quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường.

Trong khi đó, tiến độ triển khai công tác này rất chậm, đến nay gần hết thời gian thực hiện dự án mà mới thực hiện được khoảng 77%, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc kinh doanh khác của dự án.

Căn cứ trên tiến độ thực tế cũng như kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự án không thể hoàn thành trong năm 2023. Mặt khác, sau gần 15 năm từ khi được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư (năm 2009), giá cả leo thang, giá thành vật liệu xây dựng tăng cao nhiều lần, đặc biệt giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đất đai tăng phi mã, gấp hàng chục, hàng trăm lần so với trước đây. Vì vậy, DIC Corp đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư lại cho phù hợp với tình hình thực tế.