Vì sao Hiệp hội Mía đường “sát phạt” công ty của bầu Đức?
Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) đã rất bức xúc trước kế hoạch nhập khẩu đường thô từ Lào về VN tinh chế rồi tái xuất của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), dù HAGL khẳng định sẽ xuất khẩu toàn bộ.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Mía đường là sản phẩm nông nghiệp, khi VN đã hội nhập quốc tế và cam kết gỡ bỏ dần các mức thuế thì mía đường vẫn là mặt hàng nằm trong diện được Nhà nước bảo hộ.
Chính vì vậy ngoài một lượng đường được nhập khẩu miễn thuế theo hạn ngạch cam kết với WTO hàng năm thì đường nhập khẩu chính ngạch phải chịu thuế nhập khẩu rất cao.
Điều đáng nói, dù được bảo hộ bằng thuế nhưng chính sách quản lý lỏng lẻo đã khiến đường lậu từ Thái Lan tràn vào gây khó khăn cho việc tiêu thụ đường trong nước. Năm nay đỉnh điểm lượng đường tồn kho lên đến 580.000 tấn.
Ông Đỗ Thanh Liêm,TGĐ Công ty đường Khánh Hòa, than thở: “Tình trạng nhập lậu đường Thái Lan qua biên giới Campuchia, Lào, kéo dài nhiều năm nay mà nhà nước không khống chế được.”
Theo ông Liêm, giá đường nhập lậu của Thái Lan chỉ có 12.700 đồng/kg, nếu phải hạ giá để cạnh tranh thì giá mía trong nước cũng sẽ rớt xuống 600.000-700.000 đồng/tấn. Với giá thu mía như vậy, nông dân sẽ trắng tay, buộc họ phải phá bỏ vùng trồng mía. Không còn nguyên liệu thì các nhà máy đường cũng phải đóng cửa.
Ông Liêm nói rằng các doanh nghiệp mía đường “đã lùi tận chân tường”, và nhà nước phải “chấn chỉnh lại việc nhập khẩu đường” để “bảo vệ lợi ích chung của nông dân”.
Trong khi đường nhập lậu từ Thái Lan chưa được hạn chế thì năm nay một số doanh nghiệp lại núp bóng hình thức “tạm nhập tái xuất” để đưa đường chính ngạch về không phải chịu thuế, nhưng sau đó không tái xuất mà để tiêu thụ luôn trong nước, hình thức gian lận này không những khiến Nhà nước thất thu thuế mà ngành mía đường nội địa càng khó khăn hơn.
Ông Lê Văn Thanh, TGĐ công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), bức xúc: “Chính phủ đã có chủ trương chống buôn lậu rồi thì tại sao không làm triệt để, vẫn để đường lậu tràn vào không kiểm soát được. Gần đây lại ‘đẻ’ ra hình thức tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, họ nhập về tiêu thụ luôn chứ có xuất đi đâu”.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, kiến nghị: “Ngành mía đường đang cực kỳ bế tắc, để giải quyết khó khăn cấp thiết này, trước mắt chúng tôi đề nghị Bộ Công thương tiếp tục cho phép xuất khẩu đường tiểu ngạch. Chúng tôi đề nghị cần thanh tra, hậu kiểm việc tạm nhập tái xuất mặt hàng đường. Việc cấp quota nhập khẩu đường phải được công khai, minh bạch, chênh lệch giá đường nhập khẩu phải được điều chuyển về phía Nhà nước để tái đầu tư cho nông dân trồng mía chứ không phải rơi vào nhóm lợi ích nào đó như hiện nay.”
Theo ông Long, Chính phủ cần phải nhất quán chính sách điều hành xuất khẩu, nhập khẩu nhằm hỗ trợ, bảo vệ nông dân và ngành sản xuất mía đường trong nước.
Trong khi những kiến nghị của VSSA, đặc biệt là đề nghị được xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu Bản Vược chưa được Bộ Công thương đồng ý thì mới đây Bộ này lại kiến nghị Thủ tướng cho phép HAGL đưa đường thô từ Lào về VN tinh chế rồi xuất khẩu qua chính cửa khẩu này.
Theo VSSA, đường đưa về từ Lào thì cũng là đường nhập khẩu, không được vượt quá hạn ngạch đã cấp, trong khi đó việc tạm nhập tái xuất không được hậu kiểm cũng tạo ra gian lận thương mại mà ngành đường nguy khốn hiện nay là một minh chứng.
Ngoài ra, các thành viên VSSA cũng cho rằng Bộ Công thương không công bằng khi tỏ ra ưu ái cho HAGL được xuất khẩu mậu biên qua Trung Quốc.
Nhưng giá nguyên liệu cao nhất thế giới
So sánh chi phí sản xuất thì giá đường trong nước cao hơn nhiều. Điển hình như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng mía tại Lào với giá thành chỉ có 200.000-300.000 đồng/tấn, trong khi giá thành một tấn đường tại VN hiện trên 1 triệu đồng, trong đó giá thu mua mía chiếm 60% giá thành sản xuất.
Theo giải thích của các DN, sở dĩ các nước khác sản xuất rẻ được là vì diện tích đất rộng lớn được giao hẳn cho DN, họ có thể yên tâm đầu tư cơ giới hóa trồng mía mà không sợ giá trồi sụt, bị cây trồng khác cạnh tranh, từ đó giảm thiểu chi phí nhân công thu hoạch, chăm sóc.
Còn giá đường nhập khẩu từ Thái Lan rẻ trước hết là vì nhập lậu, trốn thuế. Nhưng ngành mía đường của họ cũng đã phát triển nhiều năm, chính sách điều hành giá đường hỗ trợ đắc lực cho nông dân và DN. Thực tế người tiêu dùng tại Thái Lan vẫn phải mua đường giá cao theo sự điều hành của Chính phủ, phần chênh lệch giá đường sẽ được Chính phủ Thái tái đầu tư lại cho khâu nghiên cứu, hỗ trợ nông dân.
Sau khi trừ ra nguồn cung nội địa, phần còn lại được Thái Lan khuyến khích xuất khẩu với giá rẻ, đây cũng chính là nguồn đường nhập lậu mà các doanh nghiệp đường trong nước đang phải cạnh tranh.
Ông Đỗ Thanh Liêm, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Khánh Hòa, phân tích: “Trong khi các loại cây trồng khác như lúa, cây lâm nghiệp nhận được sự hỗ trợ như cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ giống, phân bón,… thì sự hỗ trợ cho người trồng mía gần như bằng 0.”
Hiện nay các DN sản xuất đang phải tự thân vận động bao tiêu gần 100% đầu ra cho người trồng mía để giữ vùng nguyên liệu. Chính thực trạng vùng nguyên liệu được đầu tư dàn trải, manh mún, hiệu suất thấp nên mức giá thu mua mía tươi trung bình hiện nay của VN cao hơn Thái Lan gần 20 USD/ tấn, và thuộc hàng cao nhất thế giới.