1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao “cha đẻ” của Dự án cầu Thăng Long một đi không... sửa lại?

(Dân trí) - Đoàn chuyên gia Nga và đơn vị thi công cầu Thăng Long - Hà Nội đã tới Việt Nam khảo sát, nghiên cứu sửa chữa cây cầu 35 tuổi đang hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ đã về nước và không nói lời nào.

Chiều nay (4/5), ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - đã thông tin về dự án sửa chữa cầu Thăng Long.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, sau 2 năm nghiên cứu phương án sửa chữa cầu Thăng Long trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước, Tổng cục đã đưa ra phương án sửa chữa cuối cùng và được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận. 

Tổng mức đầu tư Dự án sửa chữa cầu Thăng Long là gần 270 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án đang trong quá trình mời thầu, cuối tháng 6 kết thúc lựa chọn thầu và bắt đầu thi công từ 1/7. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4/2020.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009; giai đoạn 2012 - 2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.

Vì sao “cha đẻ” của Dự án cầu Thăng Long một đi không... sửa lại? - 1
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ được sửa chữa lớn vào tháng 7/2020

Năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên hệ với chuyên gia Nga trực tiếp xây dựng cầu Thăng Long trước đây, gửi các tài liệu nghiên cứu của Tư vấn KEI và mời sang Việt Nam để khảo sát thực tế và trao đổi kinh nghiệm, giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long. 

Đáng nói, đoàn chuyên gia Nga và đơn vị thi công cầu Thăng Long đã rời Việt Nam mà không đưa ra bất kỳ thông tin gì về kết quả nghiên cứu dự án sửa chữa cây cầu 35 tuổi do chính mình xây dựng nên.

Trao đổi với PV Dân trí về việc này, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay: “Chúng tôi đã mời người có công nghệ gốc tới nghiên cứu, họ đã thi công 35 năm trước. Việt Nam đã mua vé máy bay cho họ sang để nghiên cứu, khảo sát hiện trường, cung cấp toàn bộ hồ sơ trước đây.

Chúng tôi cũng rất kiên trì với giải pháp của Nga và đưa vào ưu tiên số 1, nhưng không nhận được kết quả từ phía Nga. Sau đó, Bộ GTVT đề nghị cung cấp hồ sơ và phương án thiết kế nhưng họ không cung cấp, không liên lạc lại”.

Theo ông Huyện, để làm rõ thông tin phía đoàn chuyên gia Nga, Bộ GTVT đã gửi văn bản qua đường thương mại, sau đó Bộ Kinh tế phát triển Nga trả lời với Bộ Công Thương Việt Nam.

“Đơn vị đối tác không quan tâm tới dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long và đã loại khỏi các dự án ưu tiên của họ. Vì vậy, dự án sửa chữa không được nghiên cứu nữa” - ông Huyện thông tin.

Về việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này, ông Huyện cho hay: Mặt cầu sẽ được sửa chữa các bản thép với kết cấu liên hợp siêu nhẹ. Đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép. 

Đơn vị thi công sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông cường độ cao. Sau đó, sẽ thi công lớp phủ bê tông nhựa tạo nhám để đảm bảo êm thuận trong quá trình khai thác. Đồng thời, các khe co giãn trên mặt cầu đã hư hỏng sẽ được thay thế toàn bộ.

“Đây không phải là dự án có quy mô lớn và thời gian thi công, nhưng là dự án không thành công về các biện pháp công nghệ và sửa chữa thời gian qua. Mục tiêu lần này là lựa chọn nhà thầu có biện pháp công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hiện có nhiều phương án để sử dụng mặt cầu, mỗi phương án có những đặc điểm và lợi thế khác nhau” - lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, cơ quan này đã lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia và sẽ triển khai sửa chữa cầu Thăng Long các tiêu chí: Sử dụng vốn trong nước, đáp ứng được các tiêu chuẩn, có nhà thầu thi công, trên thế giới đã nhiều nước thi công thành công, giá thành phù hợp.

Châu Như Quỳnh