1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng GTVT:

“Bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ mà không sửa được mặt cầu Thăng Long!”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận: “Nếu không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành giao thông mắc cỡ với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong.”.

Vấn đề nói trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề cập tại cuộc họp về phương án sửa chữa cầu Thăng Long sáng 6/9. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, cầu Thăng Long (Hà Nội) đã có tuổi thọ trên 30 năm, là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và cả nước.

Hiện nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long đang bị trượt trên bản thép gây xô dồn, nứt ngang mặt cầu. Trước đây, Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo đặc biệt phun lên bản thép, sau đó dải đá dăm tạo nhám gắn vào lớn keo này và thảm bê tông nhựa lên.

Cuộc họp về sửa chữa mặt cầu Thăng Long sáng 6/9
Cuộc họp về sửa chữa mặt cầu Thăng Long sáng 6/9

Năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2, nhưng từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa bị xô dồn, nứt ngang mặt do bê tông nhựa mới sửa không bám dính với bản mặt thép của cầu, khi xe chạy gây lực trượt làm cho lớp bê tông nhựa mặt đường trượt trên mặt thép, tạo ra các điểm dồn ụ mấp mô và các vết nứt làm nước thấm xuống, phá hoại bê tông nhựa nhanh hơn khi trời mưa.

Trong giai đoạn năm 2012-2013, mặt cầu Thăng Long được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ thực hiện sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông, nhưng gần đây do mưa nhiều, dù được sửa chữa nhưng mặt cầu vẫn tiếp tục bị trồi sụt. Trong khi đó, lưu lượng, tải trọng xe qua cầu Thăng Long đã vượt quá thiết kế ban đầu.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên hệ với phía Nga để mời chuyên gia và chính nhà thầu của Nga đã thi công xây dựng cầu Thăng Long tham gia nghiên cứu, sửa chữa triệt để lần này. Phía Nga đã đồng ý hợp tác và sẽ cử đại diện đến Việt Nam làm việc từ ngày 17-21/9, để xem xét lớp mặt cầu và đưa ra giải pháp cụ thể.

Theo Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, thời gian qua, đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng so với kỳ vọng của xã hội thì chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đảm bảo êm thuận. Việc tổ chức nghiên cứu dự án sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long là yêu cầu bắt buộc đối với ngành giao thông vận GTVT.

“Việc sửa chữa lần này phải bền vững ít nhất từ 10 năm trở lên. Các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm về chất lượng cầu. Không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành giao thông mắc cỡ với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong.” - Bộ trưởng GTVT bày tỏ.

Mặt cầu Thăng Long đang bị hư hỏng nặng
Mặt cầu Thăng Long đang bị hư hỏng nặng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu thành lập một tổ công tác do một Thứ trưởng làm Tổ trưởng, các các cơ quan liên quan chuẩn bị đề cương, đưa ra mục tiêu để trao đổi, thảo luận với các chuyên gia Nga.

Người đứng đầu ngành GTVT giao Tổng cục Đường bộ và Cục Đường sắt kiểm định lại tổng thể toàn bộ cầu để đánh giá những biến động của kết cấu cầu. Tổng cục Đường bộ phối hợp với Đại học GTVT sửa chữa cục bộ từng đoạn mặt đường bị hư hỏng, nứt vỡ để mặt cầu êm thuận cho các phương tiện lưu thông khi chưa sửa chữa toàn diện.

C.N.Q