1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nghị sỹ Mỹ gửi thư cho Bộ trưởng GTVT “hiến kế” sửa chữa mặt cầu Thăng Long

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã tiếp nhận thông tin được Thượng nghị sỹ Mỹ “hiến kế” cho công trình sử chữa cầu Thăng Long (Hà Nội) bị hư hỏng nhiều năm qua.

Thượng nghị sỹ Mỹ Pat Roberts mới đây gửi thư cho Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, giới thiệu về giải pháp thi công đường cao tốc và đường sắt nổi tiếng.

Theo ông Pat Roberts, công nghệ về lớp phủ nước chất lượng cao được thiết kế như cầu cao tốc và được đề xuất như một phương án sửa chữa cầu Thăng Long của Việt Nam.

Ở Mỹ, hệ thống lớp phủ cường độ cao này đã được sử dụng ở rất nhiều công trình dân dụng với mục đích bảo vệ lâu dài.

Được biết, hôm 9/12, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã tiếp nhận thông tin được Thượng nghị sỹ Mỹ “hiến kế” cho công trình sử chữa cầu Thăng Long. Bộ trưởng GTVT đã giao cho Thứ trưởng phụ trách, Vụ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu và có ý kiến tham mưu về giải pháp được đề xuất.

Nghị sỹ Mỹ gửi thư cho Bộ trưởng GTVT “hiến kế” sửa chữa mặt cầu Thăng Long - 1
Mặt cầu Thăng Long hư hỏng nhiều năm qua, gây mất an toàn giao thông

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, được khởi công năm 1974 và hoàn thành vào năm 1985. Cây cầu là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt Nam và Liên xô trước đây, nay là Liên bang Nga. Cầu Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và cả nước. Tính theo đường ô tô thì cầu dài hơn 3km (theo đường sắt dài hơn 5,5km), rộng 21m.

Khi thi công xây dựng, Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo đặc biệt phun lên bản thép, sau đó dải đá dăm tạo nhám gắn vào lớn keo này và thảm bê tông nhựa lên. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đưa vào khai thác, lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long đang bị trượt trên bản thép gây xô dồn, nứt ngang mặt cầu.

Mặt cầu Thăng Long hư hỏng đã được sửa chữa lớn vào năm 2009, giai đoạn 2012 - 2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ thực hiện sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông, nhưng gần đây do mưa nhiều, dù được sửa chữa nhưng mặt cầu vẫn tiếp tục bị trồi sụt.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên hệ với chuyên gia Nga trực tiếp xây dựng cầu Thăng Long trước đây, gửi các tài liệu nghiên cứu của Tư vấn KEI và mời sang Việt Nam để khảo sát thực tế và trao đổi kinh nghiệm, giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, sau một số lần liên hệ trao đổi, đến nay công ty của Nga chưa có văn bản trả lời chính thức về thực hiện sửa chữa cầu Thăng Long.

Châu Như Quỳnh