1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Vị đắng Air Mekong

Vậy là ngày đen tối của Air Mekong cũng đến. Cục Hàng không Việt Nam đã chấp thuận cho hãng hàng không này ngừng bay kể từ sau ngày 28/2 để tái cơ cấu.

Air Mekong nói sẽ trở lại thị trường nhưng ít ai tin hãng này hồi sinh bởi tình hình kinh doanh còn tiếp tục khó khăn và trước khi hãng này đóng cửa đã có 2 hãng hàng không tư nhân tự khai tử vì không chịu nổi thua lỗ, đó là Indochina Airlines và Trãi Thiên Cargo.

Hàng không giá rẻ là xu hướng tân thời của thế giới, phát triển mạnh tại Việt Nam vài ba năm gần đây với hàng loạt tên tuổi như Jetstar Pacific Airlines, Indochina Airlines, Trãi Thiên Cargo, Air Mekong và VietJet Air. Cạnh tranh với “ông lớn” Vietnam Airlines, các hãng hàng không giá rẻ vừa dè dặt hoạt động vừa tìm kiếm cơ hội trong sự mạo hiểm cao độ. Thách thức lớn nhất không hẳn là chiến lược kinh doanh mà là khả năng... chịu lỗ. Lỗ mỗi năm 50 tỉ đồng, Indochina Airlines đã phải thúc thủ. Trãi Thiên Cargo chưa bay đã dẹp. Air Mekong thì sau thời gian nợ nần triền miên, chịu “đòn” không thấu nên phải chia tay bầu trời. Còn Jetstar Pacific Airlines thì đã tái cơ cấu nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa thoát lỗ...

Mạnh được yếu thua là lẽ thường tình trong kinh doanh và điều này được chấp nhận trong một môi trường cạnh tranh toàn diện. Sự cạnh tranh lành mạnh ấy đòi hỏi các nhà cung cấp phải đưa ra dịch vụ thật tốt với chi phí thấp nhất có thể để thu hút khách hàng. Và đối tượng thụ hưởng lợi ích đầu cuối chính là người tiêu dùng. Sức mua tăng thì các bên bán dịch vụ có thêm lợi nhuận. Cứ thế mà xoay vòng... Chúng ta dễ dàng nhìn thấy điều này trong lĩnh vực viễn thông với cú đột phá của Viettel sau một thời gian dài cùng nhiều hãng viễn thông khác chịu sự “thống trị” của 2 thương hiệu quốc doanh là Mobifone và Vinaphone (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT).

Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh nửa vời - như lĩnh vực hàng không - thì khác. Vietnam Airlines trước nay luôn chiếm thị phần lớn, trên 50% thị trường bay nội địa, lại cộng thêm phần vốn từ Jetstar Pacific chuyển giao sang (khoảng 70%-80%) mới đây, “đất” của Vietnam Airlines càng rộng. Ngoài vốn, Vietnam Airlines còn có ưu thế về hạ tầng, thương hiệu, chuỗi dịch vụ, bộ máy nhờ... trực thuộc Nhà nước trong hàng chục năm! Thế nên, dù Luật Hàng không (ban hành từ năm 2006) đã mở ra sân chơi cho các hãng hàng không tư nhân nhưng thực chất, Vietnam Airlines vẫn một mình một chợ, mặc sức thao túng. Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu giữ thị phần từ 30% trở lên, còn với Vietnam Airlines thì chính là độc quyền. Nhờ đó, hãng hàng không quốc gia này đã liên tục tăng giá vé, bất chấp sự kêu gào của các công ty lữ hành và hàng triệu người tiêu dùng.

Air Mekong dừng bay, thị phần của hãng này sẽ chia cho các hãng còn lại, tức là Vietnam Airlines được tiếp thêm sức mạnh. Khi sự độc quyền không giảm mà được củng cố thêm thì đó là tin buồn đối với các hãng hàng không khác, đồng thời cũng là điều không vui đối với người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
 
Theo Dương Quang
NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm