Air Mekong thành con nợ

Mỗi ngày mua 1,3 tỉ đồng tiền xăng nhưng Air Mekong gần đây đã không thể trả tiền đúng hạn, buộc Công ty Xăng dầu hàng không phải có văn bản đốc thúc trả nợ.

Chính thức bay từ cuối năm 2010, hãng hàng không tư nhân Air Mekong (AMK) đã lỗ nhiều hơn dự kiến và đang trở thành con nợ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngành hàng không.

 

Rộ tin đồn ngừng bay

 

Chiều 3/1, đại diện Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) xác nhận là AMK gần đây đã không thể trả tiền nhiên liệu đúng hạn, buộc Vinapco phải có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng để trong tình huống phát sinh nợ xấu lớn, công ty được quyền dừng cung cấp xăng theo điều khoản hợp động kinh tế giữa hai bên đã ký mà không bị quy vào lỗi “làm gián đoạn vận tải hàng không”.

 

Một quầy bán vé của Air Mekong
Một quầy bán vé của Air Mekong

 

Vinapco không tiết lộ khoản nợ của AMK tính đến nay là bao nhiêu vì “hai bên còn phải ngồi lại để thống nhất với nhau trước khi chốt lại con số cụ thể”. Tuy nhiên,  Vinapco cho biết AMK cam kết cố gắng trả nợ trước ngày 15/1 và đã được bảo lãnh của ngân hàng nên công ty đồng ý khoanh nợ cũ, tiếp tục cung cấp nhiên liệu nhưng yêu cầu AMK phải thanh toán luôn tiền  mua xăng theo ngày. Hiện trung bình mỗi ngày, Vinapco bán cho AMK khoảng 1,3 tỉ đồng tiền nhiên liệu đáp ứng cho đội bay gồm 4 chiếc.

 

Gần đây, thông tin AMK tạm ngừng khai thác rộ lên ở các đại lý bán vé máy bay do hãng chỉ bán vé đến hết ngày 28/2. Hành khách mua vé trực tuyến tại địa chỉ hoặc mua vé trực tiếp tại đại lý, phòng vé của hãng đều được trả lời chưa có lịch bay từ tháng 3 nên chưa bán. Trong khi đó, các hãng hàng không khác như Jetstar Pacific, VietJet Air đều mở bán đến tháng 7, Vietnam Airlines còn bán đến tháng 12/2013.

 

Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không về việc AMK chậm thanh toán tiền so với hợp đồng đã ký trong vài tháng nay.

 

“Việc AMK chỉ bán vé đến hết tháng 2 có thể trùng hợp với bảng giá mùa (lịch bán vé của các hãng hàng không được xây dựng theo mùa đông, tính từ chủ nhật thứ 3 của tháng 10 và mùa hè tính từ ngày 1/4 hằng năm - PV)” - một lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

 

Có tránh được vết xe đổ?

 

AMK là hãng hàng không tư nhân thứ 3 của Việt Nam được cấp phép, sau VietJet Air và Indochina Airlines (ICA). Trước đây, ICA là hãng tư nhân đầu tiên cất cánh nhưng chỉ 6 tháng sau đã rơi vào tình trạng thua lỗ không thể trả tiền mua xăng và bị thu hồi giấy phép sau hơn 1 năm hoạt động do không có khả năng tài chính để tiếp tục hoạt động.

 

Khác với cách đầu tư đầy ngẫu hứng của nhạc sĩ Hà Dũng, AMK được rót vốn bởi các nhà đầu tư có khả năng tài chính, kết hợp với những người từng làm việc lâu năm trong ngành hàng không. Sự khác biệt của AMK được thể hiện ngay trong hướng phát triển của hãng là sử dụng loại máy bay thân nhỏ Bombardier 90 chỗ, tập trung khai thác mạng bay tới các hải đảo và miền Trung – Tây Nguyên với 2 điểm đến quan trọng là Phú Quốc và Buôn Ma Thuột.

 

Trong giai đoạn đầu, hãng chủ yếu gom khách cho các hãng lớn khác, tiến tới phát triển mạng bay rộng khắp và vận chuyển khách cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong cả nước thuộc sự quản lý của công ty mẹ là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long.

 

Tuy nhiên, đến nay, AMK cũng đã phải đặt vấn đề chuyển loại máy bay khai thác sang Airbus 320 để tiết kiệm chi phí và tăng năng lực vận tải. Về tình hình tài chính, ban đầu AMK có vốn điều lệ 280 tỉ đồng. Tháng 6/2012, AMK đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 600 tỉ đồng bằng lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với một ngân hàng.

 

Theo đó, ngân hàng này cam kết tham gia góp 11% vốn điều lệ, hỗ trợ hoạt động tài trợ thuê, mua máy bay cũng như các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ thương mại, kỹ thuật của AMK. Không rõ AMK có thực hiện được tăng vốn điều lệ như kế hoạch hay không nhưng năm 2012 là một năm thất bát và đầy biến động của các ngân hàng, rất có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác này.

 

Tình trạng hãng hàng không thua lỗ không thanh toán được tiền xăng cho Vinapco đã từng xảy ra trước đây đối với Pacific Airlines và ICA, cơ quan quản lý phải yêu cầu Vinapco không được ngừng bơm xăng để bảo đảm hoạt động hàng không thông suốt. Do đó, đến nay, Vinapco vẫn chưa thu hết nợ đối với ICA do hãng này đã ngừng hoạt động.

 

Từ thực tế đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết nếu AMK không thu xếp trả được tiền xăng như đã cam kết, Vinapco có quyền ngừng bơm xăng cho máy bay của AMK theo điều khoản hợp đồng đã ký với yêu cầu phải báo trước 7 ngày như quy định.

 

 Mỗi ngày có khoảng 35 chuyến bay

 

AMK được cấp phép hoạt động vận tải hàng không năm 2009, có trụ sở chính tại huyện Phú Quốc - Kiên Giang. Ngày 9/10/2010, AMK chính thức cất cánh, khai thác 10 đường bay nội địa so với 11 đường bay hãng dự định khai thác ban đầu. Mỗi ngày, AMK có khoảng 35 chuyến bay. Tính đến nay, AMK đã thực hiện khoảng 20.000 chuyến bay, vận chuyển hơn 1,5 triệu lượt hành khách.

 

Theo Tô Hà

NLĐ