Vấn đề kinh tế trong tuần:
Vay hơn 146.700 tỷ đồng trả nợ; cán bộ bị “khiển trách” vì nhận tiền “bôi trơn”
(Dân trí) - Thủ tướng ký quyết định kế hoạch vay của Chính phủ năm 2018 trong đó dành hơn 146.700 tỷ đồng trả nợ; lương bảo vệ gần 32 triệu đồng/tháng; khởi tố vụ cà phê trộn pin; khiển trách cán bộ hải quan trong vụ nhận tiền bôi trơn… là những thông tin gây chú ý tuần qua.
Chính phủ dự kiến vay hơn 146.700 tỷ đồng để trả nợ
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 437/QĐ-TTg về việc kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018. Theo đó, kế hoạch vay của Chính phủ năm 2018 là là 384.000 tỷ đồng.
Trong cơ cấu vay, dự kiến nguồn vay trong nước sẽ vào khoảng 275.970 tỷ đồng, vay nước ngoài khoảng 108.030 tỷ đồng.
Dự kiến số tiền vay về sẽ được sử dụng để chi cho cân đối ngân sách nhà nước là hơn 341.770 tỷ đồng (chiếm khoảng 89% số tiền vay); trong đó, bao gồm vay để bù đắp bội chi là 195.000 tỷ đồng (chiếm 57% vay cân đối ngân sách); vay để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng (chiếm 43% chi cân đối ngân sách).
Khoản vay của Chính phủ về để cho vay lại là khoảng 42.230 tỷ đồng (chiếm gần 11% tổng vốn vay).
Siêu “thành phố thông minh” tại Hà Nội: Vốn đầu tư chỉ hơn 4 tỷ USD, không tới 37 tỷ USD?
UBND TP. Hà Nội đã gửi văn bản tới Bộ Xây dựng và một số bộ có liên quan lấy ý kiến thẩm định về hồ sơ dự án Thành phố thông minh với tổng giá trị đầu tư là hơn 4 tỷ USD.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư Thành phố thông minh của liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.
Cụ thể, liên danh đề xuất đầu tư dự án bao gồm: 4 nhà đầu tư Việt Nam (Công ty CP Tập đoàn BRG; Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường, Công ty TNHH Motor NA Việt Nam; Công ty CP Dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội) và 1 nhà đầu tư Nhật Bản - Sumitomo Corporation.
Dự án có diện tích lên tới 271,82 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh - Hà Nội thuộc quy hoạch chi tiết hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt theo Quyết định số 6630QĐ-UBND ngày 02/12/2015.
Vốn đầu tư đăng ký khoảng 94,3 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 4,2 tỷ USD; trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 14.260 tỷ đồng (trong đó Sumitomo Corporation góp 50% và các nhà đầu tư Việt Nam 50%).
Lộ clip nhận tiền "bôi trơn", 5 cán bộ hải quan Hải Phòng bị "khiển trách"
Cục Hải quan Hải phòng vừa có quyết định thi hành kỷ luật công tác đối với 5 cán bộ hải quan liên quan đến việc đòi tiền bôi trơn của doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ.
Theo đó, 5 cán bộ, công chức có mặt trong video clip và liên quan đến vụ việc bị kỷ luật ở mức "khiển trách".
Lý do kỷ luật được đưa ra đối với các cán bộ nói trên là “vi phạm kỷ luật lao động, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ”.
5 cán bộ hải quan bị thi hành quyết định kỷ luật trên bao gồm: Đỗ Trung Tuyến - Phó đội trưởng Đội Thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK); Nguyễn Đôn Hạnh - Phó đội trưởng Đội Giám sát hải quan; Vũ Đức Tuấn - công chức Đội Thủ tục hàng hóa; Bùi Tiến Cường - công chức Đội Giám sát hải quan và Đào Đức Anh - công chức đội Thủ tục hàng hóa XNK.
Trước đó, ngày 9/4, báo Lao động có bài điều tra "Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng”, phản ánh tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chi tiền “bôi trơn” cho cán bộ Hải quan Hải Phòng khi đến làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Phát biểu tại hội nghị bàn về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sáng 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đặc biệt tới vấn đề chất lượng các sản phẩm của Việt Nam.
Theo Thủ tướng, cơ bản hàng Việt Nam là chất lượng tốt nên mới có kim ngạch xuất khẩu lớn được như vậy. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có con sâu làm rầu nồi canh.
“Cà phê phin lại thành “cà phê pin". Trường hợp này tôi yêu cầu Đắk Nông điều tra nghiêm túc, khởi tố các đối tượng có liên quan…”, Thủ tướng nói.
Chiều cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án dùng phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin tại cơ sở bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp) theo điều 317 - Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cơ quan công an đã tạm giữ hình sự trong trường hợp khẩn cấp đối với 6 người, gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ông Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan), Ngô Ngọc Sơn (người làm thuê cho vợ chồng bà Loan) và 3 người khác
Khi một bảo vệ nhận 31,86 triệu đồng mỗi tháng
Báo cáo chế độ tiền lương, thưởng của các công ty xổ số vừa được công bố cho thấy ngành này đúng là “mỏ vàng” ngay cả ở khía cạnh thu nhập.
Viên chức quản lý doanh nghiệp nhận bình quân 59,8 triệu/tháng. Người lao động cũng nhận bình quân 31,86 triệu đồng mỗi tháng.
Một mức thu nhập phải nói là quá khủng nếu so sánh với mặt bằng thu nhập chung.
So ngay trong ngành xổ số, mức thu nhập này thậm chí là bất công khi những người bán vé số trực tiếp đang được xếp vào diện bần cùng về thu nhập.
Nhưng bất bình đẳng thu nhập giữa bộ phận lao động gián tiếp trong các công ty xổ số vốn không mấy vất vả, không có rủi ro và gần như không có biến động với những loại lao động khác, rõ ràng là điều bất bình thường. Bất bình thường như những lao động từ khu vực tạo ra của cải vật chất thì lại lương không đủ sống, trong khi các công ty xổ số ngoài việc trả lương cao ngất ngưởng, còn “thừa tiền” đến mức tổ chức cho cán bộ địa phương đi “học tập kinh nghiệm nước ngoài”.
Tài khoản khách hàng bị hack, Agribank nói gì?
Theo phản ánh của một số cán bộ Truyền hình Nhân dân (Báo Nhân Dân), nhiều người là chủ tài khoản Agribank đã bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo giao dịch rút tiền vào tối 25/4 mặc dù chủ tài khoản không thực hiện giao dịch.
Nhận thấy sự việc bất thường, các chủ tài khoản đã thông báo cho Agribank, yêu cầu khóa tài khoản và được ngân hàng này chấp thuận yêu cầu, gửi tin nhắn đã xác nhận khóa tài khoản. Tuy nhiên, sau đó các tài khoản vẫn tiếp tục bị rút tiền nhiều lần.
"Đối với các chủ thẻ mà tài khoản bị lợi dụng rút tiền bằng thẻ giả tại ATM của tổ chức tín dụng khác, Agribank đang phối hợp thu thập chứng từ và sẽ phản hồi đến khách hàng ngay sau khi nhận được kết quả. Nếu nguyên nhân bị mất tiền không do lỗi của khách hàng Agribank cam kết sẽ bồi hoàn đầy đủ số tiền bị tổn thất," – đại diện Agribank cho biết.
"Lùm xùm" vụ mất 295 tỷ đồng: Tổng Giám đốc Eximbank đề đạt nguyện vọng từ chức
Sáng 27/4, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) diễn ra tại TPHCM. Tại đại hội, bên cạnh vấn đề nhân sự ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 được cổ đông quan tâm thì những “lùm xùm” về 2 vụ mất tiền gửi khách hàng với số tiền gần 300 tỷ đồng làm "nóng" đại hội.
Tại đại hội, cổ đông yêu cầu HĐQT Eximbank giải trình rõ 2 khoản tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình (TPHCM) và 50 tỷ đồng của 6 khách hàng ở Đô Lương (Nghệ An) bị "bốc hơi". Cần làm rõ trách nhiệm của Ban điều hành, quản trị về vụ việc này. Đáng chú ý, cổ đông Mạc Phúc Thành đặt thẳng vấn đề: "Eximbank hết sức mất uy tín qua 2 vụ mất tiền của khách hàng. Cổ phiếu giảm mạnh. Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết có từ chức không?".
Ông Lê Văn Quyết cho biết, vụ mất tiền khách hàng tại Đô Lương xảy ra từ năm 2013 đến đầu 2016. Vụ mất tiền tại TPHCM thực sự có thể bắt đầu từ năm 2010 và đến đầu năm 2016 mới bộc lộ. Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm. Vụ việc được phát giác trong giai đoạn nhiệm kỳ HĐQT hiện nay. Đây là trách nhiệm của HĐQT. "Về câu hỏi Tổng Giám đốc Eximbank có từ chức không? Tôi xin nói thẳng, tôi sang đây (Eximbank) được 2 năm. Thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với HĐQT. Tôi đã thực hiện đúng cam kết đưa Eximbank ổn định. Tôi cũng chính thức nói với HĐQT nên tìm kiếm một Tổng Giám đốc phù hợp với giai đoạn mới", ông Quyết nói.
Bích Diệp (tổng hợp)