1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vàng sẽ còn sốt?

Giá vàng tiếp tục giữ ở mức khá cao 1.746,3 USD/ounce. Đây là thời điểm “lên ruột” cho những người đầu cơ hay “lướt sóng” ngắn hạn. Nhưng đó cũng là cơ hội tốt để nhìn nhận các yếu tố ngắn và dài hạn cho các cơn sốt vàng...

Nhiều yếu tố cũ vẫn đóng vai trò quan trọng tới giá vàng, được coi như hàn thử biểu đo “thân nhiệt” của nền tài chính thế giới.
 
Vàng sẽ còn sốt? - 1
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong thời gian qua đã kéo giá vàng trong nước tăng theo.

 

Ảnh hưởng từ nền kinh tế Mỹ

 

Trong buổi họp báo chính thức lần đầu tiên trong lịch sử của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cuối tháng 4 để trình bày về chính sách tiền tệ Mỹ và ảnh hưởng lên nền kinh tế, chủ tịch Fed thông báo chính sách nới lỏng tiền tệ QE 2 sẽ được tiếp tục giữ cho đến cuối tháng 6 vì nền kinh tế Mỹ vẫn chưa mạnh hẳn.

 

Lập tức thông báo này lại đẩy giá vàng lên cơn sốt mới từ mức 1.500 USD lập ra đầu tháng 4/2011 lên đến kỷ lục mới là 1.565 USD vào 30/4, và trên 38 triệu đồng/lượng ở VN.

 

Đằng sau chính sách Fed là những yếu tố “cũ” từ năm 2010 nhưng lại tăng áp lực mới vào cuối tháng 4/2011: giá dầu Brent vượt mức 120 USD/thùng, sự tiếp tục suy yếu của đồng USD, cơn khủng hoảng nợ châu Âu trở lại đe dọa hay những biến động chính trị mới ở Trung Đông và Bắc Phi làm tăng cường vai trò trú ẩn an toàn của vàng.

 

Biến cố Bin Laden bị giết đã cho mối “an tâm” tạm thời về nạn khủng bố sẽ bớt đi trên thế giới. Giá vàng rút xuống dưới 1.500 USD/ounce trong vài tuần rồi lại lập các đỉnh cao mới trên 1.600 USD.

 

Nới lỏng tiền tệ làm hạ lãi suất quốc tế cũng là liều thuốc kích thích các thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là ở Mỹ từ tháng 9/2010 đến cuối tháng 7/2011, chỉ số Dow Jones trở lại mức 13.000 (so với đỉnh trên 14.500 trước đây). Tuy nhiên khủng hoảng tài chính lại xảy ra ở Mỹ với trận chiến giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ xung quanh việc tăng mức nợ công trần tới ngày 2/8 mới được lưỡng viện quốc hội cho phép. Thêm vào đó là các dấu hiệu suy yếu mới của kinh tế Mỹ.

 

Chứng khoán Mỹ lập tức bị mất gần 15% trong ba tuần vừa qua do lo lắng suy thoái kép hình chữ W ở Mỹ kéo theo sự sụp đổ chứng khoán toàn cầu. Do đó, triển vọng tiếp tục nới lỏng bằng QE 3 của Fed gần như được dự đoán. Đồng thời Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố áp dụng chính sách tương tự như QE ở châu Âu bằng việc mua các trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha.

 

Các biến cố này dẫn đến cơn sốt thứ hai khi giá vàng liên tiếp tăng trong ba tuần qua dẫn đến mức kỷ lục 1.818 USD/ounce vào ngày 11/8 và sụt giảm xuống quanh mức 1.757 USD ngày hôm sau 12/8.

 

Tác động nhanh chóng của các chính sách nới lỏng tiền tệ nói trên của ECB và có lẽ sẽ cả của Fed (QE 3) trong tương lai gần làm tăng giá trị của vàng bạc như thứ tài sản để trú ẩn thay cho tiền giấy của các nước nói chung. Do đó, có dự báo là vàng sẽ leo lên những đỉnh cao mới dù vẫn theo hình zic-zac trong ngắn hạn.

 

Sẽ lên hay giảm?

 

Câu hỏi đặt ra cho giới quan sát và các nhà đầu tư hay đầu cơ vàng quốc tế là liệu giá vàng có tiến đến mức tâm lý quan trọng sắp tới là 2.000 USD/ounce?

 

Goldman Sachs đưa ra dự báo vàng có thể vượt cả mức 2.500 USD vào cuối năm nay. Nói chung, rất khó xác định thời điểm chính xác cũng như mức kỷ lục dự báo.

 

Lý do của mức 2.500 USD/ounce là giá tương đương ước tính bây giờ của vàng vào đầu năm 1980 lúc giá vàng lên tới kỷ lục 850 USD thời điểm có biến cố bắt con tin Mỹ ở Iran (sau khi kể mức lạm phát trong 31 năm qua). Vì thế có cả dự báo là vàng sẽ lên mức 2.600-3.200 USD/ounce vào cuối năm 2013.

 

Câu trả lời vẫn thuộc vào các diễn biến như giá dầu quốc tế, quyết định của Fed với QE 3 và giá trị tương lai của đồng USD, tình trạng tài chính thế giới nhất là nợ công châu Âu và khủng hoảng nợ xấu có thể lan sang các ngân hàng bên đó...

 

Nhưng yếu tố đặc biệt nhất cần theo dõi và chú ý là liệu Trung Quốc sẽ quyết định ra sao về việc thả nổi đồng nhân dân tệ và chính sách ngoại hối trong việc Trung Quốc tiếp tục thay trái phiếu Mỹ bằng vàng và đến mức mới là bao nhiêu trong khối dự trữ khổng lồ tương đương trên 3.200 tỉ USD của họ?

 

Và nhất là vì chính sách này cũng được các ngân hàng trung ương khác áp dụng, như quyết định mua vàng mới đây của Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc mua đến mức cao như vài giới chức công bố thì mức dự báo nói trên của vàng còn là dè dặt bảo thủ. Tuy vậy, có thể đây chỉ là “đòn gió” của Trung Quốc nhắc nhở Fed phải cố giữ giá đồng USD và bảo vệ giá trị trái phiếu Mỹ.

 

Ngoài ra nói đi cũng phải nói lại về vai trò các tay tài phiệt kín đáo. Họ có thể dễ dàng “kích” giá vàng lên trên 3.000 USD nếu quả thật Trung Quốc tiến hành việc mua vàng dự trữ trong hai năm tới.

 

Nhưng qua động thái áp lực chính trị và tài chính sau đó nhằm thay đổi chính sách kinh tế Mỹ như việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để giảm nợ công và nhất là tăng lãi suất để làm tăng giá trị đồng USD, Phố Wall có thể làm giá vàng tụt xuống 1.200-1.500 USD trở lại, và là cách lấy bớt nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc. Như họ đã từng làm trước đây năm 1980 lúc làm giá vàng từ 850 USD xuống dưới 200 USD, sau khi “lấy bớt” tài sản của các nước sản xuất dầu hỏa sau cơn khủng hoảng nhiên liệu năm 1979; như họ đã làm Nhật Bản mất số dự trữ ngoại hối khổng lồ trong thập niên 1980 sau khi cắt giá trị các bất động sản mà Nhật “vơ vét” tại Mỹ xuống một nửa; như họ đã vét trọn khối dự trữ vài chục tỉ USD của Hàn Quốc và Thái Lan (kỳ khủng hoảng châu Á năm 1997-1998).

 

Tóm lại là các nhà đầu tư dài hạn hay đầu cơ ngắn hạn vào vàng phải tỉnh táo theo dõi các biến cố tài chính thế giới kể trên.

 

Trở lại với VN, diễn biến giá vàng quốc tế cũng đặc biệt quan trọng do việc Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu các chính sách hữu hiệu để quản trị thị trường vàng trong nước, tạo mối liên thông với thị trường quốc tế để tránh áp lực mạnh mẽ trên tỉ giá USD/VND, như mới thấy tuần qua lúc tỉ giá lại vượt mức 21.000 VND.

 

Theo TS Phạm Đỗ Chí
Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm