Chuyện giá vàng và tâm lý người Hà Nội, Sài Gòn
Ngày 9/8 là cao điểm của giá vàng. Dân Hà Nội đổ xô đi mua dù giá quá cao. Ngày 10/8, vàng hạ nhiệt, người Hà Nội lao đi bán vàng cắt lỗ. Còn người Sài Gòn bình thản hơn.
Tất cả bắt nguồn từ căn nguyên đặc điểm tâm lý khác biệt giữa người Hà Nội và Sài Gòn.
Người Hà Nội quá nhạy cảm?
Ngày 9/8/2011
Nếu là người theo dõi giá vàng nhiều năm, có thể thấy mỗi năm, giá vàng lại có đợt nóng cực đỉnh. Sau đó, giá vàng sẽ giảm và tạo một mặt bằng giá mới.
Năm nay, vào những ngày đầu tháng 8, giá vàng theo xu hướng đi lên, và đỉnh điểm nhất là vào lúc 11h 30' ngày 9/8, giá vàng SJC tại Hà Nội được bán ra lên tới 46,3 triệu đồng/lượng. Và đây cũng là thời điểm người Hà Nội đổ xô đến hiệu vàng để mua vàng giá cao. Rồi ngậm ngùi ôm cục nghẹn để bán vàng vào ngày hôm sau 10/8 và chịu một khoản lỗ đáng kể.
Ngày 9/8, tại trung tâm vàng của Hà Nội trên phố Trần Nhân Tông, người đến mua vàng chật kín. Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu phải viết phiếu hẹn trả vàng sau cho khách vì lượng vàng huy động về không đủ bán.
Nhà nhà lo rút tiền ngân hàng về để mua vàng. Thậm chí, có người vác cả bao tải tiền để mua vàng. Thế mới thấy cơn nóng của vàng đã lên đỉnh điểm.
Theo ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu chỉ trong buổi sáng 9/8, số mua vào chiếm tới 93,2% lượng khách giao dịch, người bán ra chỉ chiếm gần 7% song bán số lượng rất ít. Tỷ lệ mua vào lớn gấp nhiều lần so với bán ra cũng đã được xác nhận tại tất cả các DN lớn trên thị trường vàng.
Tại TP. HCM, vào cuối giờ trưa ngày 9/8, giá vàng của SJC niêm yết đã dao động ở mức bán ra từ 46,1 – 46,3 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng tăng đến mức “điên loạn” như vậy, tình hình mua bán vàng ở TP.HCM không quá mức đông đúc hơn so với những thời điểm trước. Tại đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh, cạnh chợ Bà Chiểu), đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10, cạnh chợ Hòa Hưng), đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, cạnh chợ Bàn Cờ), hay thậm chí tại khu được coi là nhộn nhịp nhất cho việc mua bán vàng ở TP.HCM – đường Lê Lợi, Q.1, lượng khách giao dịch vô cùng thưa thớt.
Còn đối với các tiệm thuộc hệ thống tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh), một nhân viên bán hàng ở đây kể: “So sánh với tình hình khách hàng ở Hà Nội mà tôi biết qua báo chí, lượng khách chỉ bằng 1 phần rất nhỏ mà thôi. Người dân TP.HCM không có nhiều tâm lý chạy theo đám đông như ngoài ấy…”
Ngày 10/8/2011
Đúng 1 ngày sau cơn bão giá vàng lên, lúc 11h30’ ngày 10/8, theo bảng giá tại cửa hàng vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, vàng miếng Rồng Thăng Long và vàng SJC được niêm yết giá mua vào bán ra lần lượt là 44,05 triệu đồng/lượng và 44,6 triệu đồng/lượng. Như vậy giảm so với 11h30’ ngày 9/8 là 1,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Cũng tại con phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, số lượng người đến giao dịch tại cửa hàng vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu vẫn đông không kém ngày 9/8 nhưng hôm qua họ đến để mua vào thì hôm nay lại bán ra. Một điều nực cười là hôm qua, khách hàng phải nhận phiếu ghi nợ vàng thì hôm nay lại là phiếu ghi nợ tiền.
Tâm lý khác biệt giữa người Hà Nội và Sài Gòn
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển – Viện nghiên cứu Tin học - Kinh tế ứng dụng cảnh báo : Việc thu gom và mua bán vàng với số lượng lớn ở thời điểm này là dễ bị rủi ro lớn, phần thiệt hại sẽ thuộc về người dân. Tâm lý đám đông khiến giá vàng tăng cao vượt quá bản chất của nó.
Còn 1 vị chuyên gia về kinh tế của trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dân chủ yếu việc đổ xô đi mua vàng hiện nay là do tâm lí, tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ chỉ là nhất thời và sẽ dần ổn định hơn. “Vì vậy, người dân nên bình tĩnh, nhận định đúng tình hình, tốt nhất là không nên đi mua vàng với số lượng nhiều nếu chưa có nhu cầu…” – vị chuyên gia này nói.
Ông Trần Quang Thành, Giám đốc Chi nhánh PNJ Đà Nẵng, giá vàng tăng và biến động trong mấy ngày qua là do chính người dân tạo ra. Bởi cứ thấy vàng lên thì đổ xô đi mua tạo nguồn cầu lớn hơn cung, càng làm cho giá bị đẩy lên nhưng đó không phải là giá trị thật.
Bản thân Tân Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định: “Họ mua, theo tôi có hai nguyên nhân. Thứ nhất giá vàng quốc tế lên nhanh quá, tăng chóng mặt và những dự báo giá có thể còn lên nữa. Điều này khiến những người muốn bán vàng không vội bán ra, giữ và nghe ngóng thêm. Người chưa có vàng, thì có thể muốn mua và đi mua. Từ đây cung ít đi, cầu nhiều lên, tạo ra giá mới so với giá trước đó. Thứ hai và có thật là sự làm giá của giới đầu cơ. Họ đã chọn đúng thời điểm giá vàng quốc tế bùng phát để làm giá, tạo ra khan hiếm, khó mua vàng”.
Có phải chính tâm lý khác nhau giữa TP. HCM và Hà Nội mà có cách cư xử khác nhau?
Trong cuốn “Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ” phân tích: Hoàn cảnh do sinh hoạt kinh tế quy định. Ai cũng biết, Sài Gòn đó là văn minh cảng nên dễ giao lưu với các nước Đông Nam Á, sau đó là các nước phương Tây.
Gần 100 năm thời Pháp thuộc, vùng đất này tiếp cận sớm hơn cả với văn minh phương Tây. Về mặt địa lý, Sài Gòn vừa là đô thị vừa là một bến cảng quốc tế nên có xu hướng mở, khác với Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội.
Điều này giải thích tại sao Sài Gòn là nơi sớm nhất trên cả nước hình thành một nền kinh tế hàng hóa. Do đó, người Sài Gòn quen với nền kinh tế thị trường hơn người Hà Nội. Việc lên xuống của giá vàng họ cũng coi là khá bình thường?
Còn người Hà Nội như phân tích ở trên mang tính chất đô thị hướng nội, ảnh hưởng tính chất cộng động mạnh mẽ nên rất dễ bị “kích động” bởi tâm lý đám đông. Đó là lý do người Hà Nội dễ dàng đổ xô đi mua trong hôm nay và ngay ngày hôm sau có thể đem đi bán dù biết là lỗ.
Chính tâm lý đám đông này khiến họ trở thành nạn nhân khi phải mua giá vàng cao, bán đi rẻ hơn. Lãi chẳng thấy mà ngậm ngùi chịu lỗ tiền triệu cho mỗi lượng vàng.
Theo Nguyễn Tâm – Việt Dũng – Bửu Lân
VTC