Vàng đạt đỉnh 62 triệu đồng/lượng, các đại gia vàng kinh doanh ra sao?
Năm 2020, thị trường vàng thế giới xác lập kỷ lục vào tháng 8 với mức 2.063 USD/ounce. Trong nước, giá vàng có thời điểm chạm mức 62 triệu đồng/lượng, đẩy doanh thu các doanh nghiệp kinh doanh vàng tăng đột biến.
Vàng đạt đỉnh, đại gia vàng lãi đậm
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 với doanh thu đạt 23.491 tỷ đồng, cán mốc 1 tỷ USD. So với cùng kỳ 2019, doanh số của SJC tăng tới 26%.
Năm 2020, là năm biến động mạnh với thị trường vàng khi kim loại quý này tăng đột biến vào thời điểm tháng 6 đến tháng 8/2020.
Theo đó, kết thúc năm 2019, giá vàng miếng SJC ở mức 42,5 triệu đồng/lượng. Đến đầu tháng 8/2020, giá vàng miếng SJC đã chạm ngưỡng 62 triệu đồng/lượng, tức tăng khoảng 20 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới chạm ngưỡng 2.063 USD/ounce.
Tuy nhiên, do giá vốn chiếm hơn 23.230 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của SJC rất mỏng, chỉ khoảng 1%. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, SJC báo lãi trước thuế tăng 11% lên gần 75 tỷ đồng và vượt kế hoạch.
Đến cuối 2020, tổng tài sản của SJC là 1.649 tỷ đồng. Trong đó, riêng hàng tồn kho chiếm xấp xỉ 1.100 tỷ đồng. Lượng tiền mặt doanh nghiệp này đang nắm giữ là 220 tỷ đồng.
Nợ phải trả của SJC chỉ là 128 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu lên tới 1.521 tỷ đồng. Công ty chỉ có hơn 1 tỷ đồng dư nợ vay ngắn hạn.
Một đại gia vàng khác cũng có doanh thu tăng vượt bậc đó là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI.
Năm 2020, DOJI đạt gần 188 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng 24% so với năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp là 5,3%.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2020, DOJI báo lãi hơn 45 tỷ đồng, theo đó tính riêng 6 tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp này đã lãi hơn 142 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần lợi nhuận nửa năm trước đó.
Tổng tài sản của doanh nghiệp tại ngày 31/12/2020 khoảng 9.069 tỷ đồng. Tính tới hết năm 2019, DOJI có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) năm 2020 doanh thu của PNJ đạt 17.511 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.349 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 1.069 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong năm 2020 đạt 19,4%, biên lợi nhuận ròng đạt 6%.
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của PNJ đạt 8.483 tỷ đồng, giảm 120 tỷ so với con số đầu năm. Trong đó, khoản tiền mặt của công ty tăng đột biến 4,4 lần so với đầu năm lên 422 tỷ đồng. Hàng tồn kho của PNJ đạt 6.545 tỷ đồng hết năm 2020, giảm 7% so với đầu năm và cũng là chỉ tiêu lớn nhất, chiếm trên 3/4 tổng tài sản.
Hết năm 2020, tổng nợ đi vay của doanh nghiệp là 1.839 tỷ đồng, đều là nợ ngắn hạn và giảm 772 tỷ đồng so với con số đầu năm.
Kiến nghị phá thế độc quyền
Liên quan đến thị trường vàng trong nước, mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều giải pháp nhằm đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng. Qua đó nhằm cởi trói cho thị trường vàng vốn bị siết chặt bởi Nghị định 24/2012 trong gần 10 năm qua.
Cho rằng, hiện nay, trên thị trường chỉ có duy nhất vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia do NHNN độc quyền sản xuất. Chính vì vậy, VGTA đề xuất bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số công ty đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.
VGTA cũng đề nghị xem xét cấp phép thêm một số thương hiệu vàng miếng có uy tín khác (ngoài SJC) đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng trên thị trường và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân mua vàng.
Cũng trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, VGTA đề xuất cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Trước mắt có thể thí điểm mô hình này tại TP.HCM hoặc Hà Nội.