Chuyên gia nói về việc nhà vàng "làm giá", Nhà nước can thiệp vào giá vàng?

An Linh

(Dân trí) - Các chuyên gia lý giải, chênh lệch biên độ giá vàng chiều mua và bán ra được cho là do các nhà vàng đang khan hiếm vàng SJC. Bên cạnh đó, nhận định khó có khả năng Nhà nước can thiệp giá vàng.

Trao đổi với với phóng viên Dân trí, hai chuyên gia về vàng và tài chính là ông Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và TS.Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính đều cho rằng giá vàng tăng gây sốc cho cả giới chuyên gia và những người làm về vàng.

Chuyên gia nói về việc nhà vàng làm giá, Nhà nước can thiệp vào giá vàng? - 1

Cuyên gia vàng nhận định, vàng vàng trong nước cao hơn so với thế giới, có thời điểm lên đến từ 4-5 triệu đồng/lượng là do nhà vàng đang khan hiếm vàng SJC

Khi được hỏi về việc chênh lệch biên độ chiều bán ra và mua vào của nhà vàng đối với vàng SJC đang rất cao. Thời điểm 15 giờ ngày 7/8, biên độ giữa chiều mua vào và bán ra của các nhà vàng là từ 2-2,1 triệu đồng/lượng (mức bán ra là gần 62 triệu đồng, trong khi đó, giá mua vào chỉ 59,8 triệu đồng), nhiều người cho rằng, nhà vàng đang "bẫy" khách hàng lướt sóng khi xu hướng giá tăng mỗi ngày?

Ông Nguyễn Thế Hùng, cho hay: "Việc chênh lệch biên độ này có lợi cho nhà vàng, tuy nhiên nếu hiểu bản chất thì các nhà vàng hiện nay đang khan hiếm vàng SJC. Mức mua vào của người dân đang cao nên họ phải niêm yết giá cao để phòng người dân đổ xô đi mua vào. Trong khi đó, ở chiều mua vào của các nhà vàng, họ vẫn phải cân bằng với giá vàng thế giới để bảo toàn vốn".

Ông Hùng cho rằng: "Trong lịch sử hơn 100 năm của thị trường vàng, chưa bao giờ thị trường vàng có những cú nhảy sốc như năm 2020. Từ mức 1.700 USD/ounce, hiện nay giá vàng có thời điểm chạm ngưỡng 2.075 USD/ounce".

Chuyên gia của Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng: "Tác động của dịch bệnh, việc EU, Mỹ và một số nền kinh tế lớn bơm hàng loạt gói kích thích nền kinh tế khiến cho giới đầu tư tháo chạy khỏi các đồng tiền mạnh, thậm chí rút chạy khỏi chứng khoán Mỹ để đổ vào kim loại quý, tài sản tích trữ như vàng do lo ngại lạm phát. Nếu trường hợp Mỹ đưa lãi suất đồng USD xuống âm, chắc chắn luồng tiền sẽ dồn tiếp vào vàng và nhiều khả năng vàng thế giới sẽ tăng thêm".

Về cơ hội giá vàng giảm, ông Hùng cho biết trong bối cảnh này, nếu giá vàng tăng cao, giới đầu tư thế giới chốt lời, giá vàng sẽ lập tức suy giảm.

"Lực tăng của giá vàng không phải mãi được, đến thời điểm nào đó, giới đầu tư lớn sẽ chốt lời và giá vàng sẽ lập tức hạ nhiệt. Điều chúng ta khó dự đoán nhất chính là bao giờ giới đầu tư vàng thế giới chốt lời và giá vàng đạt đỉnh, rất khó đoán định", ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông này, cơ hội giảm giá vàng sẽ xảy ra nếu các nước thấy lo ngại khi nhà đầu tư rút chạy khỏi chứng khoán, ẩn vốn vào vàng. Các biện pháp can thiệp thị trường sẽ khiến giới đầu tư khó đẩy vốn vào vàng. Bên cạnh đó, trường hợp các nước lớn có triển vọng tốt về vắc xin và thuốc đặc trị virus corona, dịch covid-19 được ngăn chặn và có hướng điều trị, giá vàng sẽ lập tức giảm ngay.

Về khả năng can thiệp của Nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng khi thấy có sự gia tăng quá mạnh, ảnh hưởng đến lạm phát và thị trường tài chính như nhiều cảnh báo, ông Hùng cho rằng:

"Hiện, giá vàng tăng quá cao nên chỉ có người có sẵn tiền nhàn rỗi mới đầu tư, còn người có ít tiền vẫn ngại do rủi ro biên độ quá lớn dẫn đến thua thiệt nếu giá giảm mạnh".

Cũng về vấn đề ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường vàng, trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí, TS. Ngô Trí Long bình luận: "Ngân hàng Nhà nước cũng khó can thiệp vào vàng bởi Nghị định số24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã không khuyến khích người dân đầu tư vào vàng để chống hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Hơn nữa, giá vàng mới tăng mạnh trong vài ba tuần trở lại đây và chủ yếu nhóm đầu cơ lướt sóng là đổ tiền vào vàng, đa số người dân vẫn không đổ tiền vào vàng bởi thời điểm rất rủi ro".

The ông Long, nhiều khả năng Nhà nước sẽ không can thiệp vào thị trường vàng mà thị trường sẽ tự điều tiết, cân đối theo giá thế giới.