Thứ trưởng Bộ KH&ĐT:

"Vắc xin Covid-19 quyết định cuộc chơi của các nền kinh tế"

(Dân trí) - Năm 2021, vắc xin Covid-19 sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong kinh tế thế giới và Việt Nam. Khác với năm 2020, vắc xin này sẽ tham gia và là yếu tố quyết định trong cuộc chơi của các nước.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương về viễn cảnh năm 2021 trong cuộc trò chuyện với báo chí.

Vì sao vắc xin Covid-19 là hàng hóa đặc biệt?

Năm 2021, thế giới sẽ tiếp tục với hiểm họa chung là đại dịch Covid-19. Do đó, vắc xin chống Covid-19 có thể là vũ khí cạnh tranh về địa chính trị, kinh tế trong năm nay. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Những thứ đe dọa và có thể kìm hãm tăng trưởng của Việt Nam hiện nay vẫn là Covid-19, căng thẳng thương mại và thiên tai. Đây đều là những yếu tố khó đoán định và vắc xin Covid-19 sẽ là liều thuốc cho mọi nền kinh tế.

Vắc xin Covid-19 quyết định cuộc chơi của các nền kinh tế - 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, vắc xin sẽ đi vào và trở thành yếu tố quan trọng trong kinh tế thế giới

Năm 2021, vắc xin Covid-19 sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong kinh tế thế giới và Việt Nam. Khác với năm 2020, vắc xin này sẽ tham gia và là yếu tố quyết định trong cuộc chơi của các nước.

Theo dự đoán của tôi, năm 2021 những nước mua và tiêm được vắc xin Covid-19 sẽ mở cửa và thông thương với nhau. Còn những nước không đủ tiền, không tiêm được vắc xin thì không thể tham gia được vào sân chơi của họ.

Vắc xin là hàng hóa, khi đó là có kẻ thắng người thua. Các doanh nghiệp vắc xin và nước giàu thì thắng lợi, còn những nước đứng ngoài cuộc thì thua. Từ câu chuyện đó dẫn đến quan hệ thế giới mới rằng: vắc xin có thể là nguyên nhân làm phát sinh sự cạnh tranh, giành giật giữa các nước với nhau.

Trở lại với câu chuyện đầu tư công, năm 2020 được coi là thắng lợi về giải ngân, đặc biệt thời điểm tháng 7 trở lại đây. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là giải ngân nhanh có đi liền với chất lượng tốt không?

Xét về tỷ lệ, đúng là năm nay giải ngân đầu tư công cao hơn so với các năm từ 2016 trở lại đây. Chưa bao giờ có công tác chỉ đạo giải ngân như năm nay. Tại các cuộc họp giao ban của Thủ tướng, Thủ tướng đều có chỉ đạo về giải ngân. Công tác chỉ đạo của Chính phủ đã quyết liệt hơn mọi năm. 

Theo quy định của luật đầu tư công mới, số tiền không giải ngân được sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn. Đó là điều thiệt thòi của bất cứ nơi nào không tiến hành giải ngân được vốn. 

Tại Nghị định 40/2020/NĐ-CP, bộ, ngành nào giải ngân không hết kế hoạch đầu tư công của mình thì sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn. Năm đầu tiên được giao 1.000 tỷ đồng, chỉ giải ngân 800 tỷ đồng; tại năm đầu tiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn bị giảm 200 tỷ đồng, chỉ còn 800 tỷ đồng. Đây là điều mà không lãnh đạo nào mong muốn. 

"Nhiều" chưa chắc đã tốt!

Theo ông, giải ngân vốn đầu tư công chậm nửa đầu năm có phải do công tác lập kế hoạch không chính xác, sợ chất lượng đầu tư công, sợ trách nhiệm?

Trước đây, khi làm kế hoạch vốn đầu tư công ai cũng muốn làm được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng "nhiều" chưa chắc đã tốt. Bởi, nếu dự toán thấp mà thực tế không giải ngân được thì hệ lụy cho những năm tiếp theo sẽ rất tai hại.

Bên cạnh, việc bộ, ngành và địa phương bị giảm trừ đầu tư công trong trung hạn do chậm giải ngân, lãnh đạo còn có thể bị khiển trách, truy trách nhiệm.

Do đó, các cơ quan tham mưu của bộ, ngành, địa phương sẽ phải hết sức thận trọng, tính toán sao cho khớp nhất, rút ngắn khoảng cách thừa - thiếu giữa kế hoạch và thực tế, nhằm thúc đẩy đầu tư công hiệu quả hơn.

Nếu có ý kiến sửa đổi về Luật Đầu tư công mới để các cơ chế ràng buộc cao hơn giữa lập dự toán với thực hiện được tốt hơn, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, Bộ có tiếp tục sửa đổi không?

Nguyên nhân giải ngân giai đoạn 2016-2020 bị chậm là do kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên thực hiện nên còn bỡ ngỡ, vướng mắc. Với vốn đầu tư trung hạn 2 năm, lúc đầu phê duyệt dự án để vào kế hoạch song chưa tính sát về khối lượng, số tiền chênh lớn nên không thực hiện được.

Vắc xin Covid-19 quyết định cuộc chơi của các nền kinh tế - 2

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: Luật Đầu tư công mới hiện nay khắc phục vấn đề "con gà quả trứng" trong việc xác định vốn đầu tư công

Ví dụ một con đường làm mới đầu dự toán là 100 tỷ đồng nhưng vào thực tế số tiền giải phóng mặt bằng cao, chi phí cho giám sát, tư vấn tăng, vật liệu tăng đội lên tổng vốn 700 tỷ đồng, nên không thể giải ngân được. 

Luật Đầu tư công hiện nay khắc phục vấn đề "con gà quả trứng", theo quy định pháp luật cũ, vốn chuẩn bị đầu tư được lấy từ vốn thực hiện dự án, muốn lấy được vốn thì dự án phải được phê phuyệt - thẩm định nguồn vốn, mà muốn có tiền thì phải có dự án, đây là vòng luẩn quẩn.

Luật hiện nay khẳng định, phải có tiền trước thì mới tính tới làm dự án, cũng như trong gia đình vậy, có tiền thì cũng mới bàn mua nhà và sắp xếp thứ tự ưu tiên các việc khác nhau.

Theo kế hoạch đến tháng 7/2021, Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và hiện chúng ta vẫn chưa có danh mục các dự án giải ngân vốn đầu tư công. Vậy, từ đầu năm 2021 cho đến khi Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công, chúng ta sẽ làm gì?

Quốc hội khóa 14 đã chốt ngân sách 2,75 triệu tỷ đồng, phân ra Trung ương và địa phương, nhưng chi tiết của 2,75 triệu tỷ đồng này là gì thì lại chưa rõ. 

Trong kế hoạch năm 2021 sẽ có các dự án từ năm 2020 chuyển tiếp sang. Còn với dự án mới, chúng ta có 2 loại dự án mới. Loại 1 là dự án chưa được làm nhưng đã có trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 và loại dự án thứ 2 là dự án chưa bao giờ xuất hiện, loại dự án phải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Năm nay, Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát dưới 4%, những chỉ tiêu này xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực.

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP năm 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, tức là lên mức 6,5% và điều này cần có một quyết tâm chính trị cao.

Theo tôi, để tăng trưởng GDP từ mức 2,91% lên 6,5% như mục tiêu Chính phủ đặt ra là không dễ bởi dịch bệnh rất phức tạp, nhiều nước trên thế giới đã đóng cửa lần 3. Tuy nhiên, chúng ta cũng hoàn toàn có khả năng để tin vào mức tăng trưởng cao bởi vì trước đó chúng ta đã tăng trưởng hơn 7%. 

Thủ tướng từng nói về 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Chúng ta thấy kinh doanh đã phục hồi với công nghiệp và nông nghiệp cũng đang dần khởi sắc. Dịch vụ tuy có những ngành tổn hại nhưng cũng có những ngành phát triển mạnh. Trong khi đó, xuất khẩu đang được kỳ vọng nhờ các FTA mới.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!