Năm Covid-19, lịch sử gọi tên khẩu trang: Người "lên hương", kẻ vỡ nợ

Hoàng Dung

(Dân trí) - Khẩu trang là mặt hàng được dân tình quan tâm, săn đón nhiều nhất trong "năm Covid-19". Vì ôm mộng giàu sang mà nhiều người đổ cả gia tài vào sản xuất khẩu trang, rồi ôm nợ khóc ròng.

Khẩu trang tăng giá điên cuồng

Ngày 31/1/2020, Việt Nam ghi nhận có 3 bệnh nhân nhiễm Covid-19, giá khẩu trang y tế đã tăng chóng mặt, kèm theo đó là "cơn sốt" khan hàng.

Chỉ trong vòng 24 giờ, giá nhập buôn khẩu trang từ 25.000 đồng/hộp đã tăng chóng mặt. Tại một cửa hàng thuốc có tên V.A. trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội), giá 1 hộp khẩu trang y tế 50 cái có thời điểm lên 270.000 đồng. 

Thậm chí, tại một nhà thuốc có 2 cơ sở ở Ngô Sĩ Liên và Phủ Doãn, một hộp khẩu trang 20 cái có lúc cũng lên 300.000 đồng. Tính ra, mỗi chiếc khẩu trang y tế loại thường có giá 15.000 đồng/cái. 

Năm Covid-19, lịch sử gọi tên khẩu trang: Người lên hương, kẻ vỡ nợ - 1

Khẩu trang là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất khi dịch Covid-19 bùng phát

Thị trường máy làm khẩu trang sôi động

Trước nhu cầu gia tăng của thị trường, từ tháng 6 - 8/2020, nhiều cơ sở đua nhau nhập ồ ạt các thiết bị làm khẩu trang như máy làm phôi khẩu trang, máy dập dây khẩu trang, dây chuyền làm khẩu trang y tế tự động để về tự sản xuất.

Theo báo giá của tiểu thương, các dòng máy tự động, khép kín có giá khoảng 1,1 tỷ đồng - 1,2 tỷ đồng/máy với công suất 150 chiếc - 200 chiếc khẩu trang y tế/phút. Nếu khách cọc tiền trước, 5 - 7 ngày sau nhận được hàng.

Không những thế, nhiều tiểu thương còn khẳng định, nếu mua được máy thì giấy tờ sẽ làm được dễ dàng. Nếu khách có nhu cầu, bên thứ 3 sẽ đứng ra làm trọn gói các dịch vụ từ chất lượng, kiểm định cho đến giấy phép lưu hành với số tiền 60 triệu - 80 triệu đồng/bộ hồ sơ.

"Nóng" lên và sớm "đóng băng"

Khác với lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, giá khẩu trang vào đầu tháng 10/2020 gần như chạm đáy. Theo nhiều dân buôn, giá 1 thùng có khi chỉ bằng 1 hộp thời dịch nhưng thị trường vẫn "đóng băng".

Trên các chợ khẩu trang, giá 1 thùng khẩu trang 4 lớp (tương đương 50 hộp) chỉ còn khoảng 400.000 đồng (bằng 1 hộp thời dịch diễn ra). Rẻ như vậy, nhưng theo dân buôn, việc buôn bán vẫn rất ế ẩm.

Đó là giá khẩu trang y tế  4 lớp thường, còn với loại có vải kháng khuẩn, giá chỉ khoảng 700.000 đồng/thùng. Tính ra, mỗi hộp khẩu trang kháng khuẩn chỉ có 14.000 đồng.

Dân buôn khẩu trang trên các chợ mạng phải bán xả lỗ lượng lớn hàng nhập từ đầu đợt dịch lần 2. Không ít người mua từ lúc 3 triệu - 4 triệu đồng/thùng, đang bán lại với giá 1 triệu đồng, nhưng chẳng ai quan tâm. 

Trắng tay, ôm nợ vì khẩu trang y tế

Nếu như thời điểm đầu của đại dịch, nhiều người đã phất lên, thành công và "đổi đời" nhờ khẩu trang thì cũng có nhiều người phải lao đao, vỡ nợ vì khẩu trang chỉ sau 2 - 3 tháng đầu tư sản xuất.

Để cứu nguy tình hình, một số nhà xưởng phải chấp nhận bán tháo, thanh lý máy móc làm khẩu trang để thu hồi vốn.

Ví dụ như chị Nga (Bắc Ninh) phải rao bán 1 dàn máy sản xuất khẩu trang tự động, bo viền trong với giá 750 triệu đồng với công suất từ 80 - 90 chiếc/phút. Theo chia sẻ, trước đó, cỗ máy này có giá khoảng 1,5 tỷ đồng và được coi là "con gà" đẻ trứng vàng của nhiều công xưởng. 

"Chỉ có ai mở xưởng đợt đầu thì may ra còn có lãi chứ đợt dịch lần thứ hai thì ốm đòn. Bởi khẩu trang giờ đây không tìm được đầu ra, giá thì giảm do nguồn cung vượt quá cầu" - chị nói.

Không những thế, việc đầu tư cho dây chuyền làm khẩu trang khá tốn kém, nếu hoàn thiện cũng phải mất 1 tỷ - 2 tỷ đồng. Thậm chí, nhiều nhà xưởng có quy mô lớn với công suất cho ra ngày 200 thùng - 300 thùng khẩu trang thì số tiền bỏ ra phải lên tới 5 tỷ - 7 tỷ đồng.

Năm Covid-19, lịch sử gọi tên khẩu trang: Người lên hương, kẻ vỡ nợ - 2

Vỡ mộng làm giàu, giới sản xuất khẩu trang ồ ạt bán tháo, thanh lý thiết bị

Cay đắng hơn, chủ một xưởng làm khẩu trang tại Quảng Ninh còn bị khách bỏ tiền cọc để hủy đơn hàng 1.000 thùng với giá trị ước tính 1,5 tỷ đồng. Thậm chí, khi thị trường bão hòa, chủ xưởng này còn tồn vài nghìn thùng khẩu trang y tế.

Hàng tồn đọng quá nhiều khiến chủ xưởng này phải cho nghỉ 70% số công nhân vừa tuyển cách đây hơn 1 tháng. Chưa kể, trước đây công nhân chia nhau ra làm 2 ca một ngày, mỗi ca 12 tiếng, thì hiện số công nhân ít ỏi còn lại chỉ làm 8 tiếng/ngày để cầm chừng.