Ùn tắc dưa hấu do dân ham trồng nhiều?

(Dân trí) - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù Bộ Công Thương đã liên tiếp có văn bản thông báo về dung lượng tiêu thụ của thị trường cũng như cảnh báo về khả năng thông quan song do sức hút thị trường quá lớn, hoạt động sản xuất vẫn mang tính tự phát là chủ yếu.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh (ảnh: Bích Diệp)
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh (ảnh: Bích Diệp)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Những vụ “buôn lậu” tai tiếng của phi công, tiếp viên Vietnam Airlines

* Nền kinh tế nhóm G20 đang phục hồi song không đồng đều

* Hà Nội được ưu ái, tại sao vẫn kém?

* Kinh tế Việt Nam sau 40 năm tái thiết dưới góc nhìn quốc tế

* Giảm nghèo của VN là kinh nghiệm cho thế giới

* Phó Thủ tướng: Tránh điều chỉnh dồn dập, cùng lúc các mặt hàng thiết yếu

Trao đổi với báo chí chiều 18/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, do nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc, nhất là các tỉnh phía nam Trung Quốc về tiêu thụ dưa hấu nên những năm vừa qua, sản lượng canh tác và thu hoạch dưa tại Việt Nam tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng trên 10% mỗi năm. Trong năm 2014, ước tính xuất khẩu dưa hấu Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 130.000 tấn.

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, thêm, có một đặc thù là mặt hàng dưa hấu khi đưa sang Trung Quốc chủ yếu đi qua cửa khẩu Tân Thanh, đây là tập quán trong kinh doanh thương mại biên giới. Do đó, toàn bộ lượng dưa dấu của 4 tỉnh nam trung bộ cũng như ở miền tây đều tập trung lên cửa khẩu Tân Thanh để đợi thông quan. 

Trong khi đó, năng lực thực tế của cơ quan chức năng Việt Nam cũng như Trung Quốc trong phối hợp thông quan lại không cải thiện nhiều do hạn chế về nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng, vật chất. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù mặt hàng dưa hấu được trồng rải đều ở một số địa phương nhưng việc xuất khẩu sang Trung Quốc lại chủ yếu do một số doanh nghiệp đầu mối của cả hai bên thực hiện. Phía Trung Quốc chỉ có khoảng trên 10 doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu. 

Bộ Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam vẫn chưa có được sự phối hợp kịp thời với các doanh nghiệp phía Trung Quốc dẫn đến tình trạng: phía Việt Nam cứ chủ động đưa dưa hấu đến biên giới còn phía Trung Quốc chỉ tiếp nhận hàng trên đất Trung Quốc sau khi hàng hóa đã thông quan. Lúc này, hai bên mới làm thủ tục để tiếp nhận dưa dựa trên đánh giá quy cách, phẩm chất sản phẩm thực tế. Như vậy, một xe dưa hấu được thông quan ở Hải quan chỉ mất 1,5-2 phút nhưng phải mất tới 2-4 giờ để xe đó vận chuyển sang và được phía Trung Quốc lựa chọn và tiếp nhận. Trường hợp dưa hấu không đạt quy cách phẩm chất thì lại phải chở về. Điều này dẫn đến rất tốn kém về thời gian vật chất và tổn hại đến lợi ích của phía Việt Nam trong việc xuất khẩu mặt hàng dưa hấu. Khi không được tiếp nhận thì dưa hấu bị trả về và gần như không được sử dụng tiếp, gây ra lãng phí.

Về việc vì sao tình trạng ùn tắc diễn ra nhiều năm song chưa thay đổi, ông Trần Tuấn Anh giải thích, nguyên nhân do dưa hấu là một mặt hàng dễ canh tác nên các địa phương, nhất là tại nam trung bộ rất muốn canh tác mặt hàng này. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, ngay từ tháng 12/2014 và tháng 1/2014, Bộ đã liên tục có những văn bản cung cấp và đưa ra những khuyến nghị đối với các địa phương và các doanh nghiệp tham gia trong hoạt động xuất khẩu trái cây nói chung và dưa hấu dưa hấu nói riêng về dung lượng thị trường cũng như về điều kiện thông quan cụ thể, kèm theo các yêu cầu đặt ra cho thương mại biên giới. Bộ cũng đã có đề nghị các Sở Công Thương có sự kết nối giữa các doanh nghiệp với người dân để hỗ trợ khâu tiêu thụ và đồng thời, yêu cầu phối hợp với tỉnh Lạng Sơn trong xây dựng kế hoạch điều tiết, vận chuyển mặt hàng dưa hấu và thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất vẫn rất lớn so với năng lực thực tế nên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc và có những hoạt động chưa thể kiểm soát hết được.

“Có một thực tế là do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của chúng ta vẫn không đáp ứng được yêu cầu đó, vẫn mang tính tự phát nhiều hơn, dẫn đến nông sản của Việt Nam nói chung và dưa hấu nói riêng khi đưa đi tiêu thụ vẫn bị ách tắc ở biên giới do tình trạng quá tải” – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Đại diện Bộ Công Thương cũng chia sẻ: “Tôi rất hiểu mối quan tâm chung của xã hội và đặc biệt là của người nông dân là làm sao để thấy được vai trò của Nhà nước mạnh hơn nữa để tổ chức và đảm bảo giải quyết được tận gốc vấn đề này. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn và liên quan đến tái cơ cấu cả ngành nông nghiệp. Có một số biện pháp mà chúng tôi đang tiếp tục chấn chỉnh trong đó có cân đối cung – cầu và đặc biệt là cân đối giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, câu chuyện “được mùa rớt giá” không chỉ là trách nhiệm của hai bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) và Công Thương. Theo đó, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp mới là cách khắc phục được tận gốc yếu kém của ngành, trong đó có thương mại nông sản. 

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, nếu không khắc phục và không tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo hiệu quả của kinh doanh sản xuất, của trình độ công nghệ cũng như của các chuỗi giá trị thì chắc chắn trong tương lai, Việt Nam vẫn sẽ vẫn phải đối mặt với nghịch lý “được mùa rớt giá”. Nói cách khác, năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu kém, giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn còn thấp, chưa kể sự đứt đoạn trong chuỗi giá trị làm cho bất công, nghịch lý xã hội ngày càng tăng, cũng có nghĩa là người nông dân sẽ tiếp tục phải chịu nhiều thiệt thòi, còn ở khâu tiêu thụ phân phối, một số thương lái được lợi.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”