Nỗi đau dưa hấu, nỗi niềm mắc ca

Cả ngàn xe dưa hấu ùn tắc ở biên giới, hàng ngàn hộ nông dân khóc ròng trên ruộng dưa thối, bất lực nghĩ đến cái ăn ngày mai. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân đang thu tiền tỷ trên hàng ngàn ha mắc ca, cũng đang không khỏi mông lung về tương lai….

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Metro Thăng Long bị Thanh tra Bộ Y tế phạt do bán mực nhiễm khuẩn

* Viettel Global: Bổ sung vốn 10.000 tỷ đồng, mở rộng thêm 8 thị trường

* Phập phồng nhìn giá xăng: Không chỉ người dân chịu thiệt
* VietinBank “tung” kế hoạch sáp nhập PG Bank vào phút cuối
* Việt Nam đóng tàu 56.200 tấn: Cứu "tàu ma" Vinashin
* Cơn khát ô tô chưa hạ nhiệt: Nâng cấp sự hào nhoáng
* Tâm lý đầu cơ giảm, tỷ giá sẽ hạ nhiệt

Giữa nỗi đau dưa hấu và nỗi niềm mắc ca tưởng như đối lập, lại có một điểm chung đáng suy nghĩ về vai trò của chính sách phát triển dài hạn cho mỗi cây con, ngành hàng.

Lòng người trồng dưa não nề chờ từng phút được đối tác chọn mua. Cả bốn ngành đã vào cuộc nhưng phải bất lực thừa nhận: ùn tắc còn kéo dài nhiều nữa.

Ở Hà Nội, nhiều người đã vào cuộc để kêu gọi sự chia sẻ mua dưa giá rẻ để cứu người trồng dưa khỏi một mùa đói sắp đến. Hàng chục tấn dưa được mua hết nhưng tại các thửa ruộng Nam Trung Bộ, dưa hấu vẫn ế nặng, bò ăn không hết bỏ mặc cho thối rữa trên đồng. Không gì xót xa hơn khi phải thừa nhận, có một “nỗi đau” mang tên dưa hấu đang diễn ra.

Nỗi đau dưa hấu, nỗi niềm mắc ca
Các chuyên gia và lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đi khảo sát, đánh giá hiệu quả cây mắc ca tại huyện Krông Năng.Ảnh: Trùng Dương

Báo cáo mang tính thời sự từ Bộ Công thương về tiêu thụ dưa hấu dù đưa ra con số 80% dưa được tiêu thụ cũng không thể che giấu một thực tế: Loại trái cây là nguồn sống của hàng vạn nông dân hiện vẫn phát triển tự phát.

Nông dân cứ trồng, tự tìm mối bán hàng, trong khi cơ quan quản lý sản xuất và tiêu thụ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương vẫn chưa có một kế hoạch sản xuất dài hơi, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, có các chiến dịch quảng bá quả dưa hấu nói riêng hay nông sản Việt nói chung theo cách bài bản và dài hạn.

Đó là chưa nói đến một chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, marketing, nâng cao giá trị cho nông sản Việt, giúp tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

Chính vì thế, nỗi đau không chỉ với dưa hấu vẫn cứ lặp lại hàng năm, và có vẻ chính cơ quan quản lý cũng bất lực thừa nhận nỗi đau này sẽ còn kéo dài.

Những ngày này, lĩnh vực nông nghiệp cũng đang nóng lên về cây mắc ca, với nhiều tranh luận trái chiều...

Nhưng, khi có một thực tế rằng trên khắp vùng Tây Nguyên, hàng ngàn hộ dân đang giàu lên nhờ mắc ca và mong muốn về một cuộc đổi đời tiếp theo sau những cà phê, cao su… với “bệ đỡ” là những doanh nghiệp lớn, thì lại có một nỗi niềm khác, nỗi niềm của việc thiếu vắng một chính sách với tầm nhìn chiến lược.

Mắc ca đã vào Việt Nam gần 20 năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính là nơi đầu tiên tiếp nhận những dự án nghiên cứu từ nước ngoài, là nơi phát triển những vườn ươm khảo nghiệm trên nhiều vùng miền của cả nước với tổng diện tích sau hai thập kỷ là khoảng… 35 ha.

Và chính bộ này cũng đã có một đề tài nghiên cứu khoa học kéo dài trong nhiều năm, tốn kém không ít tiền bạc và công sức để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển mắc ca Việt Nam.

Bên cạnh đó, gần 3.000 ha mắc ca đã được người dân và doanh nghiệp tự trồng. Có lẽ, đấy chính là cuộc khảo nghiệm rộng rãi và đầy đủ nhất, thực tế nhất, và lại chưa được quan tâm, nghiên cứu, tổng kết để có thêm cơ sở để xây dựng chính sách!

Nếu như nỗi đau dưa hấu là hậu quả tất yếu khi nông dân một mình tự phát và cô độc, thì với mắc ca, người nông dân có nhiều lý do để tự tin hơn, khi thực tế đã có nhiều hộ triển khai thành công. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp đủ mạnh, ngân hàng có lực sẵn sàng đồng hành cùng họ, không chỉ là việc hỗ trợ vốn, mà còn là bao tiêu sản phẩm, sẵn sàng bảo hiểm cho nông dân để gánh chịu rủi ro trong trường hợp xấu xảy ra.

Không ít chính quyền địa phương cũng đã mạnh dạn vào cuộc, quy hoạch hàng chục ngàn ha khi thấy “lợi cho dân”. Thế mà, Bộ vẫn chờ và vẫn “chưa thấy có đủ cơ sở khoa học” và dè dặt trong những báo cáo, đề xuất.

20 năm trôi qua, mắc ca vẫn “dậm chân tại chỗ”, vẫn dừng lại ở “tiếp tục” thí điểm và khảo nghiệm, vẫn chưa đủ cho một kết luận mà hàng nghìn người dân đang mong đợi, để làm căn cứ cho “cuộc đổi đời”.

Rõ ràng, nhiều thành bại, vui buồn của người dân bắt đầu từ chính sách. Cả trong nỗi đau dưa hấu và nỗi niềm của mắc ca nêu trên, đều đang thiếu vắng chính sách kịp thời, bắt kịp thực tế và tầm nhìn từ cơ quan quản lý.

Và rất có thể, sự thiếu vắng này sẽ tạo nên một nỗi đau mới, nỗi đau của những cơ hội bị bỏ qua, nỗi đau của một nhu cầu phát triển đang bị chậm lại.

Theo Song Phước
VietNamnet

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”