Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có bao nhiêu tiền?
(Dân trí) - Xếp hạng Forbes 2021 mới cập nhật với nhiều bất ngờ. Ngoài 2 tỷ phú quay trở lại bảng xếp hạng, số tài sản hiện có của ông Phạm Nhật Vượng là thông tin đáng chú ý nhất về đời sống doanh nhân tuần qua.
Ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất lịch sử
Tuần qua, với chuỗi tăng giá ấn tượng của mã cổ phiếu VIC, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng mạnh chưa từng có. Theo đó, với tổng sở hữu trên 1,9 tỷ đơn vị cổ phiếu VIC, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - hiện đạt 234.379 tỷ đồng.
Còn theo thống kê của Forbes, chỉ trong ngày 6/4, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm 185 triệu USD (tương ứng tăng 2,17%) lên 8,7 tỷ USD (tính theo thời gian thực). Ông Vượng xếp thứ 273 trong danh sách những người giàu nhất thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, tài sản Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup - cũng tăng lên con số 19.184 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Phu nhân của ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu trên 151 triệu cổ phiếu VIC.
Các chị em gái của bà Hương là bà Phạm Hồng Linh và bà Phạm Thúy Hằng cũng lần lượt sở hữu khối lượng cổ phiếu trị giá 1.541 tỷ đồng và 12.812 tỷ đồng.
Xếp hạng Forbes 2021: Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD
Theo danh sách mới nhất xếp hạng Forbes 2021, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu trong số các tỷ phú Việt Nam. Xếp sau ông Vượng lần lượt là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet; ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long; tỷ phú Hồ Hùng Anh; tỷ phú Trần Bá Dương và ông Nguyễn Đăng Quang của Masan.
Với khối tài sản 2,2 tỷ USD, ông Trần Đình Long đã quay trở bảng xếp hạng lại đầy ngoạn mục. Dù xếp cuối cùng, nhưng ông Nguyễn Đăng Quang đã quay trở lại với giá trị tài sản 1,2 tỷ USD.
"Bà trùm" ngành dược chính thức rời ghế Chủ tịch
Sau hơn 40 năm gắn bó và xây dựng Traphaco, bà Vũ Thị Thuận - một trong hai "nữ tướng" lừng danh nhất ngành dược Việt Nam đã nói lời chia tay. Thông tin này được phát đi từ phiên họp Hội đồng quản trị CTCP Traphaco diễn ra ngày 7/4 vừa qua.
Bà Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống đông dược. Bà được mệnh danh là "người đàn bà của thuốc nam".
Tốt nghiệp trường Đại học Dược năm 1978, bà Vũ Thị Thuận nhanh chóng trở thành CEO của Traphaco và đến nay bà đã có hơn 40 năm gắn bó và phát triển doanh nghiệp này. Cùng với bà Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang), bà Vũ Thị Thuận được mệnh danh là một trong hai "nữ tướng" lừng lẫy nhất ngành dược Việt Nam.
Bà Vũ Thị Thuận nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2008 và từng được vinh danh là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn.
Sau khi bà Thuận chia tay Traphaco, thay thế vị trí của bà là ông Chung Ji Kwang - đại diện nhóm cổ đông lớn của Hàn Quốc. Ông Chung Ji Kwang sinh năm 1974, có trình độ cử nhân quản trị kinh doanh.
Người vợ bí ẩn ông Trần Đình Long nắm tài sản "khủng"
Trong đợt công bố của Forbes vào đầu tháng 4 này, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát quay trở lại danh sách người giàu thế giới một cách ngoạn mục và ấn tượng khi khối tài sản của ông đã lên tới con số 2,2 tỷ USD. Thậm chí, thống kê theo thời gian thực của Forbes, tài sản của ông Long hiện ở mức 2,4 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG, chiếm tỉ lệ 26,08% vốn điều lệ Hòa Phát. Với mức thị giá của HPG, giá trị tài sản chứng khoán của vị đại gia này đạt 42.724,8 tỷ đồng và đã vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air để soán vị trí giàu thứ hai thị trường chứng khoán Việt.
Tuy nhiên, đáng chú ý, vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền cũng sở hữu khối lượng cổ phiếu rất lớn tại HPG, lên tới 243,06 triệu đơn vị có trị giá khoảng 12.019,3 tỷ đồng.
Dù không lọt top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt, nhưng bà Hiền đang "giàu" hơn đáng kể so với những doanh nhân lớn như ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone; ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế Giới Di Động; ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VP Bank… Là một trong những người phụ nữ giàu nhất nước, song bà Vũ Thị Hiền lại chưa từng lộ diện trước truyền thông.