1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ phú Nga cảnh báo nước này sẽ cạn tiền vào năm tới

Nhật Linh

(Dân trí) - Hãng tin nhà nước Nga TASS dẫn cảnh báo của tỷ phú Nga Oleg Deripaska rằng, Nga có thể hết tiền vào năm tới, do đó cần nguồn đầu tư từ các quốc gia thân thiện.

Phát biểu tại một hội nghị kinh tế diễn ra mới đây tại Siberia, nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska thẳng thắn thừa nhận, kho bạc Nga có thể cạn tiền trong một năm nữa, do đó nước này rất cần có nguồn đầu tư từ nước ngoài.

Đánh giá này đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngợi ca về khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây dội xuống vào năm ngoái.

"Năm tới sẽ không còn tiền, vì vậy chúng tôi cần các nhà đầu tư nước ngoài", ông Oleg nói khi bình luận về cuộc xung đột Nga - Ukraine và được TASS - hãng thông tấn nhà nước Nga - trích dẫn. Trước đó, vào đầu những năm 2022, nhà tài phiệt này cũng đã từng kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Tỷ phú Nga cảnh báo nước này sẽ cạn tiền vào năm tới - 1

Nhà tài phiệt Nga cảnh báo Nga có thể hết tiền vào năm tới (Ảnh: Moskva News Agency).

Ông trùm ngành nhôm của Nga cho biết các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các quốc gia thân thiện với Nga, đóng một vai trò to lớn. Việc thu hút đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào việc Nga có tạo điều kiện và môi trường đầu tư hấp dẫn hay không.

Ông Oleg cho biết, Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng dầu trong tháng này và phương Tây có thế thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt. Do đó, theo ông, triển vọng nền kinh tế Nga ra sao sẽ phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ở Ukraine.

Kể từ khi cuộc chiến nổ ra vào tháng 2/2022, các quốc gia phương Tây đã áp hơn 11.300 lệnh trừng phạt đối với Nga, đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này nhằm nỗ lực làm cạn kiệt nguồn tài chính của Nga.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã mang lại nguồn tài chính cho Nga bằng cách tăng cường mua năng lượng của nước này cũng như thay thế các nhà cung cấp phương Tây trong lĩnh vực máy móc và kim loại cơ bản. Mặc dù vậy, Moscow vẫn khó để bù đắp những tổn thất do mất đi nguồn thu từ xuất khẩu và tác động của các lệnh trừng phạt.

Năm ngoái, theo số liệu của chính phủ Nga, nền kinh tế nước này đã giảm 2,1% Nguồn thu của Nga trong tháng 1 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, chi tiêu lại tăng 59%. Điều này khiến cho ngân sách của Nga thâm hụt khoảng 23,3 tỷ USD.

Mặt khác, theo số liệu vừa công bố tuần trước, giá trị nhập khẩu hàng hóa Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 51% trong thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2022. Trong khi đó, trước khi chiến sự nổ ra, với khoảng 38% xuất khẩu của Nga sang EU, khối này là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Theo India Today

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm