Tuần "điên loạn" của vàng: Tăng sốc, đạt đỉnh 69,3 triệu đồng/lượng

Mai Chi

(Dân trí) - Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2 - 3 tuần sau đó và quay đầu khi tình hình hạ nhiệt.

Trong chiều 5/3, giá bán vàng miếng tại Công ty SJC đã chính thức thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử với mức giá 69,3 triệu đồng/lượng và tăng tới hơn 1 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày.

Chỉ tính trong một tuần qua, giá bán vàng miếng SJC đã tăng khoảng 3,7 triệu đồng/lượng.

Tuần điên loạn của vàng: Tăng sốc, đạt đỉnh 69,3 triệu đồng/lượng - 1

Vàng luôn được coi là kênh trú ẩn an toàn giữa căng thẳng địa chính trị (Ảnh minh họa: Hải Long).

Giá vàng tăng điên cuồng trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, đặc biệt là sau khi có thông tin Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaropizhzhia.

Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho rằng, sự tăng giá vàng không chỉ do nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn, một nhu cầu lúc tăng lúc giảm, mà quan trọng hơn xuất phát từ mối lo rằng căng thẳng địa chính trị sẽ đẩy cao lạm phát, kéo lùi tăng trưởng, và làm suy yếu kỳ vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận xét, vàng được coi là "tài sản trú ẩn an toàn" và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn.

Tuy vậy, theo VNDirect, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.

"Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2 - 3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt" - VNDirect cho hay.

Tuần điên loạn của vàng: Tăng sốc, đạt đỉnh 69,3 triệu đồng/lượng - 2

Giá vàng thường tăng trong ngắn hạn do xung đột và căng thẳng địa chính trị nhưng nhanh chóng hạ nhiệt sau đó khi tình hình lắng dịu (Nguồn: Bloomberg/ VNDirect Research).

Theo nhóm phân tích, trong khoảng thời gian 3 - 12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần.

VNDirect cho rằng, đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi Fed đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022.