1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giật mình vì giá vàng tăng sốc chạm ngưỡng 69 triệu đồng/lượng

An Chi

(Dân trí) - Trước thông tin Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine, giá vàng thế giới tăng bứt tốc và vượt ngưỡng 1.970 USD/ounce. Trong nước, giá đã chạm 69 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Cập nhật đến 13h45 cho thấy giá vàng SJC đã tăng rất mạnh so với sáng. Cụ thể, doanh nghiệp lớn niêm yết thu mua tại 67,75 triệu đồng/lượng, còn bán ra ở 69 triệu đồng/lượng. So với đầu ngày, mỗi lượng đã tăng 600.000 đồng chiều thu mua và 750.000 đồng chiều bán. 

Trước đó, vào đầu ngày, các doanh nghiệp lớn trong nước niêm yết giá vàng miếng SJC tại 67,15 - 68,25 triệu đồng/lượng. Chiều mua tăng 200.000 đồng/lượng so với phiên chiều 4/3 nhưng chiều bán ra tăng tới 530.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán được đẩy lên cao, tới 1,1 triệu đồng/lượng. 

Trên thị trường thế giới lúc 8h sáng nay (5/3), giá vàng giao ngay trên Kitco tăng 36 USD lên 1.972 USD/ounce, tương đương 54,37 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí). Với mức giá này, giá vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước hơn 13,35 triệu đồng/lượng.

Vàng đang bước vào đợt tăng giá không kiểm soát trước những căng thẳng địa chính trị. Hôm qua, giá kim loại quý tăng khoảng 35 USD/ounce trong một ngày trước thông tin Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine.

"Trước mắt, tôi chưa nhìn thấy tín hiệu tích cực ở Ukraine nên thị trường tài chính sẽ bị rung lắc, đảo lộn trong thời gian tới. Từ đó, giới đầu tư sẽ ráo riết đi tìm hầm trú ẩn và vàng sẽ tỏa sáng", chuyên gia Edward Moya từ hàng Oanda nhận định.

Giật mình vì giá vàng tăng sốc chạm ngưỡng 69 triệu đồng/lượng  - 1

Trước thông tin Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine, giá vàng thế giới đã bứt tốc vượt ngưỡng 1.970 USD/ounce (Ảnh: T.T).

Ngoài ra, ông Moya còn dự báo, giá vàng có thể chạm mốc 2.000 USD/ounce khi giá các loại mặt hàng như dầu, lúa mì, ngô tăng đột biến.

"Với những gì đang diễn ra, không sớm thì muộn các mặt hàng quan trọng như ngũ cốc, kim loại, năng lượng sẽ tăng giá", ông Moya đánh giá.

Thậm chí, vị chuyên gia này còn nhận định, mức tăng đột biến của hàng hóa sẽ tác động đến lạm phát khiến ngân hàng trung ương các nước buộc phải điều chỉnh, tăng lãi suất nhanh hơn.

"Có thể thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thực hiện hàng loạt các biện pháp để ứng phó với lạm phát và tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Fed cho rằng, họ sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 nhưng tôi nghĩ con số này là 4 hoặc 5", chuyên gia từ Oanda nói.

Mới đây, tại cuộc họp với Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng: "Mọi thứ bây giờ đều bấp bênh và khó đoán định nên chúng tôi sẽ đưa ra những quyết sách thận trọng".

Phát biểu tại cuộc họp, người đứng đầu Fed còn ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 3. Theo ông, việc tăng điểm này sẽ là đòn bẩy, duy trì đà phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát

"Nếu Nga và Ukraine không tìm được tiếng nói chung, hàng hóa toàn cầu sẽ chứng kiến mức tăng kỷ lục khi giá dầu đã vượt 100 USD/thùng. Điều này có thể có tác động đến kỳ vọng lạm phát và tăng trưởng", ông Powell lưu ý.