Giá vàng tăng điên loạn, lên 61,3 triệu đồng/lượng, dân đổ xô đi bán vàng
(Dân trí) - Lúc 15h30 hôm nay 6/8, giá vàng SJC đã chính thức lên 61,3 triệu đồng/lượng. Bất chấp trời mưa gió, một bộ phận dân cư đã mang vàng đi bán để chốt lời.
Lúc 15h30 hôm nay 6/8, giá vàng SJC tại TPHCM được 1 số doanh nghiệp vàng lớn niêm yết giao dịch ở mức 59,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 61,3 triệu đồng/lượng (bán ra). So với trưa nay, giá vàng SJC được doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá mua vào 200.000 đồng/lượng nhưng tăng giá bán ra 300.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC hiện giao dịch ở mức 59,5 triệu đồng/lượng - 60,8 triệu đồng/lượng, chiều mua vào giảm 100.000 đồng/lượng, còn chiều bán ra tăng 400.000 đồng/lượng.
Biên độ giá mua vào - bán ra được doanh nghiệp nới rộng ra gần 2 triệu đồng/lượng, cho thấy giá vàng còn biến động mạnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh người dân đổ xô mang vàng đi bán, doanh nghiệp vàng đã điều chỉnh giảm giá chiều mua vào, nhưng lại tăng chiều bán ra.
Trước đó, khi giá vàng lên ngưỡng 57 triệu - 58 triệu đồng/lượng, giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rủi ro về phía người dân, nếu chạy theo tâm lý đám đông đi mua vàng trong thời điểm giá vàng tăng mạnh.
"Người dân, các nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất", bản tin vàng của một doanh nghiệp vàng cũng đưa ra khuyến cáo.
............................
Cập nhật thị trường mới nhất lúc 12h30 hôm nay, giá vàng SJC tại TPHCM giao dịch ở mức 59,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 61 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tiếp mỗi chiều 250.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng so với thời điểm 10h50 sáng.
Như vậy, với các mức tăng mạnh như vũ bão, giá vàng SJC tại TPHCM đã chính thức đạt mốc 61 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC hiện tăng mỗi chiều 1,8 triệu đồng/lượng và 1,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Hà Nội hiện được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 59,6 triệu đồng/lượng - 60,4 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, khi giá vàng tăng lên sát 61 triệu đồng/lượng, một bộ phận dân cư tại Hà Nội đã quyết đội mưa đi bán vàng. Mới chỉ 10 giờ sáng, lượng vàng thu mua tại cửa hàng đột biến khiến bảo vệ gặp khó khăn trong việc cất giữ.
Dòng xe nối nhau tìm chỗ đỗ là hình ảnh minh chứng rõ cho tâm lý của người có vàng thời điểm hiện tại. Tại con phố Trần Nhân Tông - vốn được gọi là "phố vàng" của Hà Nội, theo quan sát của phóng viên Dân trí, chỉ riêng 1 góc vỉa hè đã có tới gần 50 chiếc xe máy.
Lúc 10h50 sáng, giá vàng SJC tại TPHCM đã tăng vọt lên mức 59,45 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Sau những phút điều chỉnh nhanh sáng nay, giá vàng tại đây đã tăng tới 1,55 triệu đồng/lượng và 1,6 triệu đồng/lượng mỗi chiều so với chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC hiện được doanh nghiệp tăng lên mức 59,3 triệu đồng/lượng - 60,2 triệu đồng/lượng.
Vào thời điểm này, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng 3,7 USD, giao dịch ở mức 2.043,2 USD/ounce.
Giá vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 34% so với hồi đầu năm. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD, giá vàng thế giới đang tương đương với 57,3 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí).
Theo đó, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng.
Vào lúc 10h25, giá vàng SJC tại TPHCM hiện đã tăng chóng mặt lên 59,25 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tiếp mỗi chiều 300.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng so với lúc 10h15 phút sáng nay. Còn so với chốt phiên hôm qua, giá vàng tại đây tăng vọt 1,25 triệu đồng/lượng và 1,3 triệu đồng/lượng mỗi chiều.
Lúc 10h15, giá vàng SJC tại TPHCM đã tăng vọt lên mức 58,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Các mức giá này tăng tiếp mỗi chiều 350.000 đồng/lượng và 230.000 đồng/lượng cách đây 30 phút, còn tăng tới 1,05 triệu đồng/lượng và 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Còn tại Hà Nội, giá vàng SJC được doanh nghiệp điều chỉnh chậm hơn nhưng cũng là một mức tăng cao đến chóng mặt, hiện giao dịch tại vùng 59 triệu đồng/lượng - 59,8 triệu đồng/lượng.
Lúc 9h45 sáng nay 6/8, giá vàng SJC tại TPHCM được doanh nghiệp niêm yết giao dịch lên 58,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 59,97 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng mạnh mỗi chiều 700.000 đồng/lượng và 770.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, mở cửa phiên lúc 8h30, giá vàng SJC tại TPHCM niêm yết giao dịch ở mức 58,35 triệu đồng/lượng - 59,6 triệu đồng/lượng.
Tương tự tại Hà Nội, giá vàng SJC hiện giao dịch ở mức 58,5 triệu đồng/lượng - 59,5 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 500.000 đồng/lượng và 600.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, lúc 9h45 hôm nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng tiếp 1,7 USD, giao dịch lên mức 2.041,2 USD/ounce. Lúc 7h30 sáng, giá vàng giao ngay tại châu Á có biên độ tăng nhẹ và giao dịch ở mức 2.039,8 USD/ounce.
Hôm qua 5/8, giá vàng SJC đã tăng vọt qua mốc kỷ lục 59 triệu đồng/lượng. Chốt phiên, giá vàng SJC tại Hà Nội được doanh nghiệp niêm yết ở mức 58 triệu đồng/lượng - 58,9 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM niêm yết ở mức 57,9 triệu đồng/lượng - 59,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng vọt qua mốc 59 triệu đồng/lượng nằm trong dự đoán nhưng với mức tăng nhanh, nó cũng gây sốc và tiếc nuối của nhiều người. Bởi đây là mốc giá cao nhất trong lịch sử thị trường vàng trong nước, khi giá vàng thế giới vọt lên 2.039 USD/ounce.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, thị trường vàng hôm qua có vẻ "bình lặng đón sóng", không xảy ra cảnh xếp hàng chờ giao dịch mua vào - bán ra như mấy ngày trước.
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, đặc biệt là tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hoà về gói cứu trợ trị giá 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06% và căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
Ngoài ra, theo đánh giá của giới đầu tư trên thế giới, vụ nổ thảm khốc ở Beirut (Lebanon) cũng góp phần kéo giá vàng lên trên mức cao kỷ lục. Tính từ đầu năm, giá vàng giao ngay tăng hơn 32%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1979.
Sau khoảng 8 tháng kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, đến nay thế giới tiếp tục chật vật đối phó với đại dịch Covid-19, một cuộc chiến khó kết thúc cho đến khi tìm được vắc xin hiệu quả.
Tính đến sáng nay 6/8, thế giới ghi nhận hơn 18,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 710.000 người đã tử vong, hơn 12 triệu người đã phục hồi.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với gần 5 triệu ca mắc, trong đó hơn 160.000 người tử vong. Tiếp sau Mỹ là Brazil và Ấn Độ - hai điểm nóng bùng phát với hơn 50.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày.
Sáu tháng kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, đến nay các nước trên thế giới vẫn chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai thậm chí nghiêm trọng hơn làn sóng đầu tiên, buộc các nước rục rịch phong tỏa trở lại. Giới chức WHO cảnh báo, tốc độ lây lan của Covid-19 đang gia tăng và đỉnh dịch vẫn ở phía trước.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới.
Giá vàng được dự báo tăng thêm khoảng 200 USD để lên mức 2.200 USD/ounce (tương đương giá vàng trong nước khoảng 62 triệu đồng/lượng).
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của giới chuyên gia, giá vàng đang tăng như vũ bão và xu hướng tăng tiếp vẫn còn nhưng nhiều khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh tạm thời, khi giới đầu tư bán vàng ra chốt lãi.
Do đó, người dân cần thận trọng trong quyết định giao dịch, nhất là tâm lý mua vàng chờ giá lên để kiếm lời. Bởi, việc các doanh nghiệp niêm yết biên độ giá mua vào - bán ra tới 1,4 triệu đồng/lượng như sáng nay cho thấy giá vàng còn điều chỉnh mạnh và phần thua thiệt thuộc về người dân đi mua vàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.