Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12%, nước ngọt chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
(Dân trí) - Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng lên 12% áp dụng ngay từ năm 2019 và đề nghị thêm nước ngọt vào đối tượng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại buổi họp báo chuyên đề chiều nay (15/8), Bộ Tài chính đã có bao cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), và thuế tài nguyên.
Nâng thuế GTGT
Thông tin đáng chú ý là Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo 2 phương án. Theo phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Phương án 2, đề nghị tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.
Bên cạnh đó, với lý do áp dụng thuế suất 5% sẽ không bảo đảm bình đẳng giữa các lĩnh vực, ngành nghề, Bộ Tài chính đề nghị chuyển nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ sang áp thuế GTGT 10%, trong đó có nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục. Những nhóm còn lại đề nghị tăng thuế GTGT lên 6%.
Theo Bộ Tài chính, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (TNDN và TNCN), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (GTGT và TTĐB). Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hoá và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 tăng lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.
Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.
Từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản….
Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12-25%, trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17-25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%, Philippines có mức thuế suất 15%.
Nước ngọt sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính đề xuất tập trung sửa đổi 4 nội dung. Trong đó, đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền đóng gói, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến cơ thể bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Bộ Tài chính cũng dẫn thống kê cho biết, ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm…
Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, Bộ Tài chính cho biết, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt. Cụ thể, Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai; Lào thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn 5% và nước tăng lực 10%; Campuchia thu 10% với nước ngọt. 3 nước ASEAN khác là Myanmar, Philippines và Indonesia cũng dự kiến sẽ thu thuế TTĐB với mặt hàng này.
“Hầu hết các nước trong khu vực đã và sẽ thực hiện thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt. Các nước Châu Âu áp dụng thuế cao hơn, cụ thể như Pháp thu thuế tuyệt đối 0,72 EUR/lít, Phần Lan thu 0,75 EUR/lít, Hungari 0,04 EUR/lít, Hà Lan 0,09 USD/lít…”, Bộ Tài chính cho biết.
Tăng thuế thuốc lá
Với thuốc lá, báo cáo của Bộ Tài chính cũng dẫn nguồn từ WHO cho rằng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Trong khi ấy, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam cao theo đánh giá có nhiều nguyên nhân trong đó có giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận.
Theo thống kê của ngành tài chính, Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ ở mức hơn 48%, thấp hơn nhiều các nước khác. Ví dụ, tỷ lệ này ở Brunei là 81%, Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Malaysia là 57%,…
Do vậy, để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án.
Phương án một là áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo quy định, lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%. Qua đó, theo phương án này, ngoài tỷ lệ thuế trên, cơ quan chức năng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.
Phương án 2 được Bộ Tài chính đưa ra là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.
Nêu quan điểm của mình, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, phương thức kết hợp thuế suất theo tỷ lệ và thuế tuyệt đối được nhiều nước phát triển (khoảng 48 nước). Qua đó, đại diện ngành tài chính đề xuất quy định theo phương án 1.
“Liệu mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá có thấp không? Tôi cho rằng, đây là vấn đề cần tính toán vì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất. Hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 5 tỷ bao thuốc lá và tiêu thụ khoảng 4 tỷ bao. Bởi vậy, nếu thu thêm mức tuyệt đối là 1.000 đồng/bao thì ngân sách đã có thêm khoảng 4.000 tỷ đồng”, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế nói.
Phương Dung