1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TS Nguyễn Đình Cung: Tăng trưởng vô nghĩa nếu tiền vẫn đổ vào "máy xay tiền"

(Dân trí) - "12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của Việt Nam, hiện không có tín hiệu nào cho thấy Nhà nước rút chân khỏi khoản lỗ này mà vẫn phải bỏ tiền vào máy xay tiền này. Tăng trưởng của nền kinh tế sẽ không có ý nghĩa nếu những chỗ không hiệu quả mà Nhà nước vẫn tiếp tục bỏ tiền vào".

Đây là khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo Cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn vừa được tổ chức sáng nay (15/6) tại Hà Nội.

Theo ông Cung: Việt Nam đang thiếu đi trọng tâm trong hoạch định chính sách, chúng ta càng huy động nhiều nguồn lực vào phát triển thì lại càng khiến cho những nguồn lực này mất đi nhanh hơn.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM

Ông Cung nêu ví dụ như việc vốn đổ vào DN Nhà nước, hay vấn đề đầu tư các ngành vượt ngoài quy hoạch, vượt khả năng của Việt Nam.

"12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của Việt Nam, hiện không có tín hiệu nào cho thấy Nhà nước rút chân khỏi khoản lỗ này. Nhà nước vẫn phải bỏ tiền, góp tiền vào máy xay tiền. Tăng trưởng của nền kinh tế sẽ không có ý nghĩa, nếu những chỗ không hiệu quả mà Nhà nước vẫn tiếp tục bỏ tiền vào, đó là phép thử để đổi mới tư duy, cách quản lý DNNN sắp tới", TS Cung nói.

Ông Cung nói: Cải cách DNNN nói mấy chục năm nhưng đến nay vẫn không làm được. Chúng ta đều biết vấn đề ở đâu nhưng chịu không ai xử lý được. Có người nói, không làm gì có khi không mất công, chứ làm như hiện nay là không ổn.

Góp ý vào cách thức tăng trưởng và những vấn đề cấp bách đặt ra, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT nói: Trước đây chúng ta hay nói và đặt trọng tâm công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho ngành cơ khí, sau này là ô tô, tiếp sau là công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử khi Samsung vào. Gần đây chúng ta lại nói đến kinh tế tư nhân, khởi nghiệp, với hàng loạt ưu tiên, ưu đãi nhưng cũng chưa làm đến đâu. Vẫn chỉ là lời nói, chính sách, thiếu cam kết thiếu thực tế thực hiện.

Ông Hồ ví dụ: Hiện nay, từ khóa nóng nhất là Cách mạng công nghiệp 4.0. Những tiến bộ của cách mạng công nghệ, cho sản xuất, kiến trúc, in ấn 3D... hứa hẹn nhiều thay đổi bằng trí tuệ nhân tạo, bằng tự động hoá.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược nhấn mạnh: "Chúng ta rất nhanh biết, nhanh thấy nhưng rồi chúng ta lại nhìn lại mình, Cách mạng công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, công nghiệp hóa nhà xưởng, dây chuyền đã làm được chưa mà nghĩ đến 4.0".

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho hay: Tôi đề xuất và tán đồng quan điểm lựa chọn tăng chậm đi một số ngành, thúc đẩy tăng trưởng nhanh một số ngành. Ngành ưu tiên phát triển hiện nay là công nghệ thông tin, du lịch và chế biến nông lâm thủy sản... Bối cảnh nguồn lực của Việt Nam đang có hạn, nhất là ngân sách, không thể dồn sức làm tất thảy đều hay được.

Ông Nguyễn Anh Dương, đại diện Ban chuyên môn của Viện CIEM lo ngại: "Xét về góc độ điều hành, cải cách, năm nay là năm thứ 10 chúng ta gia nhập nhóm nền kinh tế thu nhập trung bình, nhưng giờ câu chuyện lo ngại bẫy thu nhập trung bình ngày càng lớn. Trước đây, tăng trưởng thấp, chúng ta có thể dựa vào các nguồn lực hỗ trợ như ODA, nhưng giờ sẽ khó khăn hơn trong tiếp cận nguồn vốn này".

"Dự báo năm 2017, có thể Việt Nam không nằm trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất nữa, cho dù một số nước Đông Nam Á gần với ta vẫn nằm trong nhóm", ông Dương cảnh báo.

Nguyễn Tuyền