1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khó tăng trưởng bền vững nếu vẫn nuôi bộ máy cồng kềnh

(Dân trí) - Chia sẻ với báo chí gần đây, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và PGS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển đã đưa ra nhiều quan điểm về tăng trưởng, cải cách hướng đến ưu tiên cải cách nền hành chính công vụ, giảm chi thường xuyên để đạt tăng trưởng bền vững.

TS Thành cho rằng: Giải pháp căn cơ hiện nay là Chính phủ tập trung nguồn lực vào việc giải quyết và cải cách nền kinh tế, Chính phủ đang làm nhưng chưa đủ về thời gian để những giải pháp này "sinh" ra tăng trưởng, cần lộ trình dài hơi hơn nữa.

Tăng trưởng kinh tế cần hướng đến giải pháp dài hạn, căn cơ bằng cải cách môi trường kinh doanh, đặc biệt cắt giảm bộ máy cồng kềnh hiện nay (ảnh minh hoạ)
Tăng trưởng kinh tế cần hướng đến giải pháp dài hạn, căn cơ bằng cải cách môi trường kinh doanh, đặc biệt cắt giảm bộ máy cồng kềnh hiện nay (ảnh minh hoạ)

Thế lưỡng nan lựa chọn tăng trưởng và cải cách

Ông Thành cho rằng: Để tăng trưởng hiện Việt Nam phải căng mình để đẩy đạt mục tiêu, phải hy sinh thỏa hiệp hay chính khu vực đang thực hiện cải cách. Cách làm hiện nay là dồn tất cả, sức và kỹ thuật vào mọi ngóc ngách để đẩy sản phẩm hay sản lượng ra cho đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, chúng ta lại vướng vào cách làm ngắn hạn chứ chưa phải dài hạn, có căn cơ, chuẩn bị và tính bền vững.

Ông Thành kiến giải: Nếu như Chính phủ chấp nhận có sự khó khăn cho kinh tế năm nay là tăng trưởng thấp hơn để quyết tâm cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, đây có thể là sự nhượng bộ cần thiết, đáng làm.

"Cách này có thể làm giảm tăng trưởng GDP nhưng đó chưa phải là giải pháp căn cơ. Cách tốt hơn là làm cho bộ máy nhẹ đi, ngân sách thâm hụt bớt đi và gánh nặng chi ngân sách giảm đi nhiều, chúng ta sẽ có nhiều không gian chính sách để tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng ta chưa làm tốt điều này nên vẫn phải tìm mọi cách để có ngân sách vẫn nuôi bộ máy cồng kềnh như hiện nay", TS Thành nói.

TS Thành cho rằng, việc tìm nhiều cách thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có tăng khai thác dầu thô, đẩy lượng cung tiền có thể làm nảy sinh nguy cơ lạm phát.

"Các nguồn lực sẽ được đẩy vào trong nền kinh tế nhiều hơn khả năng có thể hấp thụ; tín dụng rẻ hơn với hy vọng người dân, DN mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, nếu DN không đầu tư, hấp thụ tín dụng như kỳ vọng của chính sách thì toàn bộ nguồn lực, vốn sẽ bị đẩy vào biến danh nghĩa (tức là tăng giá) đó là cơ chế để làm lạm phát xuất hiện", ông Thành phân tích.

Nên bán vốn Nhà nước dành tiền đầu tư dự án cấp thiết

PGS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng: Để thúc đẩy tăng trưởng cần dựa trên quan điểm tăng trưởng thế nào để bền vững chứ không phải bằng mọi giá, vì vậy cần có cái nhìn toàn diện giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết vấn đề xã hội và môi trường.

"Chúng ta đã huy động có hiệu quả các nguồn lực nhưng sử dụng sao cho hiệu quả và chất lượng đang là trọng tâm của chính sách thì chưa đạt được. Ví dụ vấn đề bán vốn Nhà nước hiện nay theo tôi nên bán cổ phần một số DN Nhà nước để dành vốn đầu tư những dự án khác. Không nên chỉ để vốn ở một chỗ làm thui chột nguồn lực quốc gia. Việc bán DN Nhà nước dành tiền xây dựng sân bay Long thành là ví dụ nên làm trong điều kiện hiện nay", ông Thắng nêu ví dụ.

Về các giải pháp dài hơi, theo ông Thắng, nông nghiệp đang là điểm yếu trong chuỗi tăng trưởng nhưng đây cũng là vấn đề căn cơ bởi đa phần dân sống bằng nông nghiệp. Nếu tăng trưởng nông nghiệp thiếu bền vững, họa chăng hay chớ thì giá trị gia tăng cho hộ sản xuất là không có, làm giảm chất lượng tăng trưởng của Việt Nam.

Ông Thắng khuyên: Chúng ta cần đặt vấn đề nông nghiệp không chỉ là sản phẩm hàng hoá, mà còn là quyết định sự tồn vong lâu dài giống nòi quốc gia. Không thể để sản xuất nhỏ đi liền với sản ô nhiễm và giảm tăng trưởng như hiện nay. Với tư cách là ngành kinh doanh, một mặt nông nghiệp phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn thế giới nhưng, người nông dân phải được hỗ trợ thông tin thị trường. Vấn đề này, Nhà nước đang nợ người nông dân một câu trả lời và nợ một trách nhiệm lớn.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm