Tính đến phá sản vài dự án yếu kém để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

(Dân trí) - Một trong những giải pháp mà Chính phủ bàn tính đến để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,7% năm 2017 là phải xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương, trong đó tính đến việc báo cáo Bộ Chính trị phải phá sản một vài dự án.

Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (4/5), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, do tăng trưởng GDP cả nước trong quý I chỉ đạt 5,1% nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,7% trong năm 2017 thì trong 3 quý còn lại phải nỗ lực rất lớn.

Cụ thể, theo tính toán, quý II phải tăng trưởng hơn 6,2%; quý III gần 7,3% và quý IV phải đạt khoảng 7,5%.

Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về các giải pháp trọng tâm để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng đặt ra. Theo đó, đây là một chỉ tiêu rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô và đời sống của từng người dân.

Ông Mai Tiến Dũng: Quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý 12 dự án yếu kém là theo thị trường
Ông Mai Tiến Dũng: Quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý 12 dự án yếu kém là theo thị trường

Bên cạnh việc yêu cầu nâng sản lượng khai thác dầu thô để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Công Thương phải có những phương án quyết liệt để giải quyết dứt điểm 12 dự án thua lỗ của ngành này.

“Ngay cả với việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém thì quan điểm của Chính phủ cũng phải theo thị trường. Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu nhằm đôn đốc, đưa ra các giải pháp xử lý. Trong đó, có những dự án cần phải báo cáo với Bộ Chính trị cho phá sản, có những dự án bán cho nhà đầu tư khác và có dự án xem xét khôi phục để có sản phẩm ra thị trường”, ông Mai Tiến Dũng cho hay.

Liên quan đến thông tin xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương, mới đây, Bộ Công Thương đã công bố tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Trong số 12 dự án này có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón; Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; và nhà máy thép Việt Trung).

3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; dự án nhà máy bột giấy Phương Nam).

3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex).

Một số dự án phải tính đến phương án phá sản là nhà máy đầu tư sản xuất sơ sợi polyester Đình Vũ và Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Ngoài ra, ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm 2017 là đảm bảo cung ứng điện, tập trung cho các thương hiệu để thúc đẩy thị trường trong nước.

Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng rất quan tâm đến thị trường cho nông sản, phát triển sản xuất ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao...

Bên cạnh đó là kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp hành chính, quản lý chi ngân sách, không khởi công mới các dự án không cần thiết; phòng chống lãng phí, chống tham nhũng…

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án yếu kém ngành công thương là: 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Trong tổng số vốn vay, vốn vay các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là: 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng.

Bích Diệp