1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Trung Quốc vỡ mộng

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ồ ạt bơm tiền nhằm giải quyết việc thanh khoản

Đồng nhân dân tệ (NDT) lại rớt giá hôm 20/8 sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có động thái được cho là cản trở tham vọng của Trung Quốc đằng sau việc rốt ráo phá giá đồng nội tệ gần đây.

IMF đã quyết định lùi thời gian điều chỉnh rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) đến ngày 30-9-2016 thay vì vào cuối năm nay như dự kiến trước đó. Hẳn Trung Quốc là nước thất vọng nhất khi nhận thông tin này.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc phá giá NDT khiến thế giới chấn động hồi tuần trước không hoàn toàn nhằm kích thích tăng trưởng và đối phó với sự trì trệ của kinh tế mà trên hết, Trung Quốc muốn nhanh chóng đưa NDT “chen chân” vào rổ tiền tệ SDR vốn đang có USD, yen Nhật, bảng Anh và euro.

Một kết quả như vậy có thể tạo ra nhiều lợi ích quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc, như tăng nhu cầu mua vào đồng NDT của các ngân hàng trung ương trên thế giới, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD và qua đó nâng cao vai trò và vị thế của Bắc Kinh trong nền kinh tế toàn cầu.

Một chi nhánh của Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc tại TP Thượng Hải Ảnh: China Daily

Một chi nhánh của Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc tại TP Thượng Hải. Ảnh: China Daily

Năm 2010, IMF từ chối đưa NDT vào rổ tiền dự trữ với lý do đồng nội tệ của Trung Quốc “không được sử dụng tự do”. Tuần trước, cơ quan này hoan nghênh động thái phá giá NDT nhưng nhấn mạnh Trung Quốc phải hành động nhiều hơn nữa. Theo IMF, động thái nói trên không tác động trực tiếp lên việc xem xét lại rổ tiền tệ dự trữ vốn được thực hiện 5 năm 1 lần.

Trong tuần qua, đồng NDT giao dịch khá ổn định sau cơn biến động trước đó. Tuy nhiên, động thái mới nhất của IMF đang khiến giới đầu tư gia tăng quan ngại về cách Bắc Kinh cầm cương thị trường chứng khoán khó lường cũng như chính sách tiền tệ tiền hậu bất nhất của nước này.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 20/8 lại mất khoảng 3%, tương đương với 1 ngày trước đó sau khi sụt giảm mạnh trong ngày 18/8 (chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải giảm tới 6,2%, mạnh nhất từ ngày 27/7).

Sự sụt giảm này được cho là do giới đầu tư tháo chạy sau khi Tập đoàn Tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF - cơ quan được lập ra để hỗ trợ giá cổ phiếu trong nước) có dấu hiệu ngừng mua vào. “Khó có thể đoán biết diễn biến của thị trường vì sự phản ứng thất thường của giới hoạch định chính sách Trung Quốc cũng như sự co giãn theo hướng ngắn hạn của NDT” - các nhà phân tích từ Goldman Sachs nhận định.

Theo trang Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) trong những ngày qua ồ ạt bơm tiền vào hệ thống tài chính trong nước để giải quyết cơn khát thanh khoản. Số tiền rót vào hệ thống tài chính thông qua nghiệp vụ thị trường mở đạt kỷ lục trong tuần này khi lên tới 150 tỉ NDT (tương đương 23 tỉ USD). Đây là đợt bơm tiền mạnh nhất kể từ tháng 2 - thời điểm nhu cầu tiền mặt lên cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Hôm 19/8, PBOC đã bơm 110 tỉ NDT (tương đương 17 tỉ USD) thông qua các khoản cho vay trung hạn. Một ngày trước đó, ngân hàng này bơm 120 tỉ NDT (tương đương 18 tỉ USD) qua các khoản cho vay ngắn hạn. Cũng trong ngày 18-8, PBOC đã hoàn thành việc bơm 93 tỉ USD vào 2 ngân hàng lớn trong nước là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (nhận 48 tỉ USD) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (nhận 45 tỉ USD).

Các khoản tiền này được dùng để hỗ trợ những dự án tái xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế tại Bắc Kinh và Thiên Tân, thành phố cảng ở Đông Bắc Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Wang Shengzu thuộc Tập đoàn Tài chính Barclays nhận định động thái “tiếp máu” cho 2 ngân hàng lớn nói trên cho thấy PBOC đang tìm cách “dẫn đường” để tiền đầu tư vào nền kinh tế thật sự, như xuất khẩu và xây dựng hạ tầng, thay vì chảy sang các tổ chức tài chính và thị trường chứng khoán như trước.

Theo Thu Hằng
Người Lao động

Trung Quốc vỡ mộng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm