1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Trung Quốc phá giá NDT, Việt Nam sẽ làm mất lợi thế trong TPP!?

(Dân trí) - Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ (NDT), chắc chắn hàng hóa của nước này sẽ rẻ hơn nhiều so với trước và lợi thế về hàng sản xuất giá rẻ này sẽ làm mất lợi thế của các nước tham gia Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Việt Nam.

Đây là quan điểm của TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Chính trị Thế giới về việc đồng NDT phá giá, có tác động thế nào đối với Việt Nam và các nước tham gia trong TPP.

tq-49cc1-bd2cb
Dự đoán nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc dự doán sẽ tăng mạnh khi nước này phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ.

 

Theo giải thích của TS Sơn, ngoài những lý do kích thích xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài để cứu vãn tình hình kinh tế vĩ mô, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT là có chủ đích và là mũi tên nhắm vào các nước tham gia TPP - "sân chơi" không có Trung Quốc.

“Như ai cũng biết, TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà trong đó hầu hết thuế quan hàng hóa trong trao đổi thương mại giữa 12 nước với nhau sẽ được giảm về 0 - 5% ngay sau khi TPP có hiệu lực. Lợi thế hàng giá rẻ sẽ thuộc về các nước có chi phí sản xuất thấp, giá đồng tiền yếu và lợi thế cạnh tranh tốt…

Đây là điểm lợi thế cho hàng hóa các nước như: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc… Tuy nhiên, động thái phá giá mạnh, thậm chí theo nhiều nghiên cứu, Trung Quốc có thể phá giá đồng NDT đến 10% thì giá hàng hóa của nước này sẽ rất rẻ khi vào các nước Mỹ, Nhật, Úc và Canada. Như vậy, lợi thế các nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam sẽ không còn duy trì, mất đi nhanh chóng”, ông Sơn quả quyết nói.

Thực tế, sau khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT về mức 1,9% (ngày 11/8), 1,6% (ngày 12/8) và 1,1% (ngày 13/8), nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cảnh báo sẽ có những tác động tiêu cực đến Việt Nam, trong đó lớn nhất là thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam với nước này sẽ tăng lên nhanh chóng.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), năm 2014, Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc hơn 28 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu  của nước này hơn 19,5 tỷ USD, dự tính việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT sẽ làm cho nhập siêu của Việt Nam từ nước này có thể chạm ngưỡng 30 tỷ USD. Tỷ lệ này gần xấp xỉ bằng tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa kỳ năm 2014 và đạt mức cao nhất trong các năm qua.

Đáng nói hơn, cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam lại chủ yếu nằm ở nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị chiếm khoảng 80% chủng loại mặt hàng. Theo đánh giá, đây là lo lắng lớn đối với Việt Nam, bởi nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc sẽ làm phá sản nhiều doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam dệt may, điện tử, điện…

Thêm nữa, hàng công nghệ, máy móc Trung Quốc quá rẻ khiến những máy móc lạc hậu, cũ kỹ của Trung Quốc loại thải sang nhiều nước kém phát triển hơn được hỗ trợ về tỷ giá, khiến nó càng rẻ hơn khi vào Việt Nam.

“Trung Quốc đang đối mặt với tăng trưởng chậm sau thời gian phát triển quá nóng trước đây, việc này đồng nghĩa với hàng loại nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, máy móc, công nghệ kiểu “phế thải” của Trung Quốc sẽ được tân trang, bán rẻ cho các nước khác qua các đường FDI hoặc viện trợ ODA. Với giá rẻ sẵn, lại được hỗ trợ thêm phá giá, đây là mục đích mà Trung Quốc hướng đến”, TS Sơn bình luận.

“Hiện các DN FDI đứng đầu về nhập khẩu nguyên phụ liệu và nhập siêu từ Trung Quốc. Nếu đồng NDT phá giá, đối tượng được hưởng lợi chính là các DN FDI. Đây có thể là lý do khiến họ dừng phát triển công nghệ hỗ trợ trong nước để đẩy mạnh nhập khẩu nguyên phụ liệu và linh kiện để giảm chi phí sản xuất”, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho biết.

Tuy nhiên, điều quan trọng chính là khi các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc nguyên liệu và xuất xứ từ Trung Quốc, hàng Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan của các nước EU, TPP khi vào thị trường này vì quy định khắt khe: hàng sản xuất tại Việt Nam phải có nguồn gốc xuất xứ, linh kiện, nguyên phụ liệu ở Việt Nam, hoặc một đối tác mà EU hoặc các nước TPP đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội, trong các cam kết được miễn giảm thuế quan, các đối tác EU, TPP đều quy định hàng hóa phải có xuất xứ từ chính nước đó hoặc nước thứ 3 theo điều khoản tối huệ quốc (MFN) của WTO.

Nếu các DN Việt quá ham nhập nguyên liệu, sẽ bị trừng phạt bởi các hàng rào phi thuế quan như: kiện chống bán phá giá, không được giảm thuế do chứng chỉ xuất xứ (CRO) sai hoặc bị loại bỏ khỏi các danh mục được ưu tiên miễn giảm thuế theo như cam kết…

Nguyễn Tuyền

 

Trung Quốc phá giá NDT, Việt Nam sẽ làm mất lợi thế trong TPP!? - 2