Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới sớm hơn dự đoán?
(Dân trí) - Theo giới phân tích, đại dịch Covid-19 có thể khiến cho Trung Quốc "qua mặt" Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm hơn vài năm so với nhiều dự đoán trước đó.
Tuần trước, Mỹ đã công bố số liệu GDP năm 2020 giảm 2,3%, xuống mức 20,93 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc lại cho biết, GDP năm 2020 của nước này tăng 2,3% lên mức 101,6 nghìn tỷ NDT, tương đương 14,7 nghìn tỷ USD (dựa trên tỷ giá 6,9 NDT/USD).
Điều đó khiến nền kinh tế Trung Quốc chỉ còn thua Mỹ 6,2 nghìn tỷ USD, giảm mạnh so với mức chênh 7,1 nghìn tỷ USD trong năm 2019.
"Sự khác biệt trong tăng trưởng này phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng đại dịch tác động đến nền kinh tế Mỹ nhiều hơn so với Trung Quốc", ông Rob Subbaraman của Nomura cho hay và nhấn mạnh, với những dự báo tăng trưởng phù hợp, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc tính theo đồng USD sẽ vượt Mỹ vào năm 2028.
Nếu đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mạnh hơn trong khoảng 6 NDT/USD thì khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ sớm hơn 2 năm so với dự báo trên, tức vào năm 2026, ông Subbaraman nói.
Đồng Nhân dân tệ đã bắt đầu mạnh lên so với đồng USD trong 6 tháng qua lên mức chưa từng thấy trong hơn hai năm qua.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hơn một nửa nền kinh tế nước này trong tháng 2/2020. Tại thời điểm đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đạt mức cao kỷ lục 6,2%. GDP cũng giảm 6,8% trong quý đầu tiên.
Sự bùng phát dịch Covid-19 trong nội địa Trung Quốc đã được kiểm soát sau đó vài tuần, và nền kinh tế nước này đã hồi phục trở lại từ quý 2/2020.
Trong khi đó, đại dịch virus corona lại bắt đầu lây lan rộng rãi ở nước ngoài và trở thành đại dịch toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề nhất đối với Mỹ. Mỹ trở thành nước có số lượng người chết và các ca lây nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng vọt lên trên 14% trong tháng 4/2020 và duy trì trên mức 10% trong 3 tháng tiếp theo.
Ông Tai Hui, chiến lược gia thị trường châu Á tại J.P Morgan Asset Management, cho biết: "Dữ liệu GDP mới nhất cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc có động lực mạnh mẽ vào cuối năm 2020, do khả năng kiểm soát đại dịch". Theo ông, 8 đến 10 năm nữa, GDP của Trung Quốc có thể sẽ bắt kịp Mỹ.
Song các biện pháp hạn chế mới của chính phủ Trung Quốc sau khi phát hiện các trường hợp lây nhiễm mới trong vài tuần qua có thể khiến tăng trưởng quý 1/2021 trở nên khó đoán. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi nhờ gói hỗ trợ vừa được tân Tổng thống Biden đưa ra.
Ông Tai cũng nhấn mạnh thêm, GDP "chỉ là một phép so sánh", các nhà đầu tư nên xem xét nhiều yếu tố khác như về cơ cấu kinh tế, thu nhập, sự phát triển và lợi thế cạnh tranh.
Các nhà kinh tế vẫn lo ngại về tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc. Bởi sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua chủ yếu đến từ các ngành truyền thống như sản xuất hơn là việc gia tăng tiêu dùng nội địa.
Năm 2020 xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 3,6% do nhu cầu về khẩu trang và đồ bảo hộ y tế khác tăng vọt trên toàn cầu, trong khi đó, nhập khẩu giảm 1,1%.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ cũng tăng lên 317 tỷ USD trong năm 2020, so với mức 296 tỷ USD năm 2019. Trước đó, hồi tháng 1/2020, cả hai nước đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong nỗ lực giảm mức thặng dư này. Theo đó, Trung Quốc cam kết mua vượt 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ so với mức của năm 2017.
Bruce Pang - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance dự đoán, đại dịch sẽ khiến Trung Quốc vượt qua Mỹ sớm hơn dự kiến trước đó từ 3-5 năm.
Tuy nhiên, theo ông, "cột mốc thực sự" sẽ là khi Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về GDP bình quân đầu người.
Với dân số gấp khoảng 4 lần Mỹ, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc trong năm 2020 ở mức khoảng 11.000 USD. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp 5 lần Trung Quốc với 63.200 USD.