1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung Quốc cũng muốn "giải cứu" heo Việt?

Cuối tuần trước, hai doanh nghiệp Trung Quốc được một đối tác Việt Nam dẫn đi thăm bầy heo đang nuôi ở Tân Ninh, Bình Dương. Thương nhân Trung Quốc đặt vấn đề mua trung bình 2.000 con heo mỗi ngày với giá hơi 30.000 đồng/kg, cao hơn hẳn mặt bằng hiện tại. Nhưng vì sao họ không mua được?.

Người Trung Quốc muốn giải cứu?

Cuối tuần trước, hai doanh nghiệp Trung Quốc được một đối tác Việt Nam dẫn đi thăm bầy heo đang nuôi ở Tân Ninh, Bình Dương. Thương nhân Trung Quốc đặt vấn đề mua trung bình 2.000 con heo mỗi ngày với giá hơi 30.000 đồng/kg, cao hơn hẳn mặt bằng hiện tại, nhưng điều kiện đưa ra là người bán phải giết mổ, pha lóc ra heo mảnh rồi đem cấp đông, giao bằng đường container lạnh. Yêu cầu này quá khó, vì năng lực giết mổ, cấp đông ở cả nước chứ không riêng gì khu vực phía Nam đều không có nơi nào làm được. Như vậy, chỉ cần một đòi hỏi nhỏ thôi cũng đã thấy ngành chăn nuôi heo đang “khổ sở” như thế nào…


Hiện tại, cả nước cũng có lác đác một vài lò mổ công nghiệp, như của Vissan, D&P, nhưng các lò này đầu tư vì mục đích bán thịt tươi sống nên khu cấp đông thường làm rất nhỏ. Ảnh: TL

Hiện tại, cả nước cũng có lác đác một vài lò mổ công nghiệp, như của Vissan, D&P, nhưng các lò này đầu tư vì mục đích bán thịt tươi sống nên khu cấp đông thường làm rất nhỏ. Ảnh: TL

Đàn heo cả nước vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn đầu ra, nhưng việc nhiều thương nhân Trung Quốc chịu khó “lội” vào tận các trang trại heo để mua cho ra một tín hiệu khác.

Giám đốc kinh doanh của một công ty chăn nuôi có vốn nước ngoài ở miền Đông, kể: sau khi được thương nhân Trung Quốc yêu cầu mua heo mảnh, cấp đông, ông đã đến một số lò mổ đặt vấn đề hợp tác. Ở một lò mổ tại Tây Ninh, công suất thiết kế làm được 2.000 con heo mỗi đêm, nhà máy vừa mới sửa chữa, có chứng nhận HACCP, nhưng chỉ có mỗi dây chuyền giết mổ, còn lại chẳng có gì. Trong khi khách hàng yêu cầu có khu pha lóc, khu làm mát, khu cấp đông, khu dự trữ… Ông lại đến một lò mổ ở Củ Chi, TP.HCM. Lò này công suất bốn năm ngàn con heo mỗi đêm, nhưng lại tệ hơn lò ở Tây Ninh vì làm thủ công, dùng tay là chính, cạo lông heo trên bệ gạch, pha lóc ngay tại chỗ… Tìm mãi không ra, cuối cùng ông tới thêm hai lò mổ được đánh giá là tốt nhất hiện nay ở phía Nam, nhưng công suất pha lóc, trữ đông của hai nơi này lại quá nhỏ so với yêu cầu 2.000 con heo mỗi ngày.

“Lâu nay chúng ta xuất heo hơi sống sang Trung Quốc, còn nay họ yêu cầu mua thịt đông lạnh thì phải tiến hành giết mổ, cấp đông, giao bằng đường container nhưng rất tiếc, chúng tôi tìm khắp mà không có nơi nào làm được việc này!”, vị giám đốc trên tỏ ra tiếc nuối.

Cũng trong tuần trước, Bộ NNPTNT lần đầu tiên có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị có biện pháp giải cứu đàn heo. Trong số các giải pháp nêu ra, như tìm cách hạ giá thành chăn nuôi, hỗ trợ vốn, ưu đãi lãi suất, khoanh nợ cho nông dân, đại lý thức ăn, bộ này có đề cập đến việc phối hợp bộ Công thương xúc tiến tìm thị trường để xuất khẩu heo chính ngạch. Có thể khẳng định, giải pháp xuất heo chính ngạch là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn của thế giới. Và cũng khẳng định, nếu muốn xuất heo chính ngạch, chúng ta cũng chẳng phải tốn kinh phí làm xúc tiến, tìm thị trường chi cho mất công, mất tiền bạc.

Chỉ cần chịu khó “lội” sang Trung Quốc là chắc chắn có đầu ra liền, bởi dù gì thì Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Năm ngoái, Trung Quốc đã từng chi ra tới 1 tỉ USD để mua heo hơi của Việt Nam và nay, thương nhân Trung Quốc vẫn sang tận các vùng nuôi heo để đặt vấn đề nhập heo. Điều đó cho thấy nhu cầu thịt heo của nước này lớn cỡ nào.

Năm ngoái, không chỉ mua tới 600.000 con heo sống từ Việt Nam, Trung Quốc còn mua hàng triệu con từ Thái Lan, Lào và Campuchia. Ngoài ra, họ còn mua tới hơn 2 triệu tấn thịt xẻ từ châu Âu, Mỹ và các nước Bắc Âu. Với Trung Quốc, nhu cầu về con heo năm nay từ Việt Nam chỉ có một cái khác là họ không muốn mua heo hơi nữa (do chính quyền kiểm soát chặt chẽ ở biên giới) mà chuyển qua mua thịt lạnh. Mua bán bằng đường container, vận chuyển vừa dễ dàng, không cồng kềnh, ít tốn kém, ít rủi ro heo chết dọc đường…

Nhưng người Việt bỏ quên phần giết mổ

Vậy thì tại sao chúng ta lại không đáp ứng được? Trả lời câu hỏi này, vị giám đốc doanh nghiệp nói trên lý giải do ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển không đồng bộ. Do thói quen ăn thịt tươi, thịt nóng, mua bán thịt chủ yếu ở các chợ truyền thống, lòng lề đường chứ không phải bảo quản lạnh trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như các nước nên khâu giết mổ chưa được đầu tư đầy đủ, bài bản, hiện đại như các nước. Với các nước, do ăn thịt lạnh, miếng thịt được cắt nhỏ bọc trong túi, trong vỉ, trữ vào hệ thống tủ mát nên lò mổ phải đầu tư khép kín, gồm khu giết mổ, khu pha lóc, khu trữ mát, khu cấp đông. Một lò mổ lên đến cả chục ha, thậm chí hàng trăm ha, đầu tư hàng triệu USD. Còn ở ta, lò mổ chủ yếu dưới dạng thủ công, “khép kín” trong vài trăm mét vuông đất, đầu tư vài chục triệu và chúng ta chủ yếu làm thịt con heo bằng tay, để dưới nền đất, nền nhà rồi sau đó chở nguyên cả con ra chợ pha lóc để bán.

Hiện tại, cả nước cũng có lác đác một vài lò mổ công nghiệp, như của Vissan, D&F, nhưng các lò này đầu tư vì mục đích bán thịt tươi sống nên khu cấp đông thường làm rất nhỏ, trữ được vài ngàn con heo là hết công suất.

Con heo khác với con cá tra, thậm chí là hạt gạo là ở chỗ đó. Ngành cá tra đang sản xuất khoảng 1,2 – 1,7 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm nhưng lại có đến hàng trăm nhà máy chế biến được đầu tư bài bản, hiện đại với năng lực trữ đông cá philê khổng lồ. Hạt lúa cũng vậy, mỗi lần gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu thì nông dân lại được Nhà nước hỗ trợ tạm trữ và năng lực xay xát, kho chứa lúa gạo hiện nay cũng vượt xa sản lượng lúa gạo sản xuất ra hàng năm. Còn con heo, mặc dù hiện nay công suất nhà máy thức ăn đã được đầu tư lên đến 30 triệu tấn, vượt xa so với nhu cầu của ngành chỉ khoảng 20 triệu tấn/năm; tổng đàn heo lên đến hơn 40 triệu con, vượt 20% nhu cầu tiêu thụ, nhưng khâu quan trọng nhất là đầu tư lò mổ hiện đại lại chưa có doanh nghiệp nào làm.

Đây là một thực tế yếu kém, thiếu sót mà chưa thấy bộ NN-PTNT nhìn nhận để sửa chữa. Từng có một thời gian dài, cũng vì mục tiêu mong muốn cải tạo ngành chăn nuôi heo theo hướng hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng đàn để đáp ứng nhu cầu nội địa, nhu cầu cạnh tranh với thịt ngoại nên bộ NN-PTNT đã dành nhiều chính sách ưu đãi, phát triển. Có thể kể ra các chính sách vốn cho chủ trại, chính sách vốn cho nhập heo giống, xây nhà máy thức ăn, nhập nguyên liệu… một cách ồ ạt. Tuy nhiên, dường như bộ này lại quên béng đi mất đi khâu trọng tâm nhất là ban hành chính sách khuyến khích xây dựng lò mổ công nghiệp hiện đại. Hậu quả là, sau những cơn “say máu” tăng tổng đàn heo một cách cơ học, đến nay thì đàn heo đã quá dư thừa, và bộ mới nghĩ đến tìm thị trường đầu ra và lúc này thì lấy đâu ra lò mổ hoàn chỉnh để giải quyết.

Chính vì “quên béng đi mất” khâu quy hoạch giết mổ, thịt heo chỉ được giết mổ, mua bán thủ công ngoài chợ nên vừa qua, cũng dễ hiểu khi ngân hàng Thế giới công bố có tới 30 – 40% mẫu thịt lợn ở Hà Nội và TP.HCM nhiễm khuẩn salmonella, loại vi khuẩn gây tiêu chảy. Tới 80% thịt lợn bày bán ở những khu chợ bán đồ tươi sống và 76% được giết mổ tại các cơ sở nhỏ, mất vệ sinh.

Theo Cẩm Tú
Dân Việt

Dòng sự kiện: Giải cứu lợn thịt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm