Trình độ công nghiệp Việt Nam vẫn đi sau thế giới hàng thế kỷ

(Dân trí) - Trình độ công nghệ Việt đang đi sau thế giới hàng thế kỷ, vì vậy đặt giả thiết Việt Nam bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0), phải xác đỉnh rõ chúng ta đang ở đâu để có chính sách phù hợp với thực tiễn.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam bên lề họp báo chuyên đề “Công nghiệp sản xuất Việt Nam - hành trình hướng tới ngành công nghiệp 4.0” vừa được tổ chức sáng nay (23/3) tại Hà Nội.

Trình độ Việt Nam thua thế giới hàng thế kỷ

Theo ông Thụ, khi thế giới đang bước vào Công nghệ 4.0 với vật liệu mới, kỹ thuật mới, tin học hóa, công nghệ hóa mọi mặt sản xuất như: vật liệu nano, thiết kế 3D, tự động hóa, số hóa trong dây truyền sản xuất... thì nhìn chung, trình độ công nghiệp Việt Nam vẫn lạc hậu, nhiều ngành và lĩnh vực then chốt của Việt Nam vẫn đi sau thế giới hàng thế kỷ.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (ảnh Nguyễn Tuyền)
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (ảnh Nguyễn Tuyền)

Ông Thụ đánh giá, nhiều ngành của Việt Nam, các thiết bị từ thế kỷ XIX, cụ thể là như máy tiện cơ khí sản xuất và sử dụng những năm 1960. Tuy nhiên, qua 15 năm đổi mới, một số ngành của Việt Nam cũng có công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại như: lọc hóa dầu, hóa chất, thiết kế giàn khoan, máy nông nghiệp... Tuy nhiên, về cơ bản, trình độ công nghệ, kỹ thuật của Việt Nam còn thấp, nhân lực và cơ sở vật chất chưa theo kịp với tiến bộ của thế giới.

Đặt vấn đề khi "chỗ đứng" của Việt Nam đang ở trình độ thấp như trên, chúng ta đã và đang coi "Công nghệ 4.0" như "chìa khóa", "chiếc đũa thần" giúp Việt Nam đuổi kịp các nước. Điều này có quá viển vông và phi thực tế?

Ông Thụ cho rằng, xét về toàn cục, trình độ Việt Nam đang ở mức rất thấp, có ngành thậm chí cách xa thế giới 2 - 3 thế kỷ. Tuy nhiên, cũng có ngành, trình độ của Việt Nam đã tương đồng, hoặc sử dụng các công nghệ mới của thế giới.

"Chúng ta cũng không nên quá lạc quan khi coi công nghệ 4.0 là chìa khóa, là đũa thần giúp Việt Nam đuổi kịp các nước, điều quan trọng là phải xác định xem Việt Nam ở đâu, ngành nào thua kém và ngành nào có thể bắt kịp được với xu hướng thế giới. Thế giới thay đổi, chúng ta không thể đứng yên. Bên cạnh những ngành lạc hậu, chúng ta cần đưa những ngành có cơ hội tiếp cận và nắm bắt với công nghiệp 4.0. Điều quan trọng nhất là hiện chúng ta phải xác định chỗ đứng của mình, xây dựng thể chế, cơ chế mở cửa, mở rộng, xây dựng con người, nhân lực công nghệ 4.0 nhằm tiếp đón, tận dụng và chủ động hội nhập", ông Thụ nói.

Cơ khí phát triển được hay không là do ý chí của Nhà nước!

Ví dụ về ngành công nghiệp cơ khí, theo vị Chủ tịch Hiệp hội, qua 15 năm phát triển, cơ khí Việt Nam có những tồn tại, có những thành công nhất định, nhưng tồn tại, hạn chế và yếu kém là nhiều hơn cả.

Đó là trình độ cơ khí, đặc biệt cơ khí chính xác của nhiều ngành tại Việt Nam thua xa, đi sau nhiều nước. Các đơn đặt hàng trong nước không được ưu tiên, trong khi đó nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã làm chủ được công nghệ, giá rẻ hơn. Cơ chế Nhà nước chưa có tính đặt hàng cho doanh nghiệp, vẫn phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu nước ngoài.

Ngoài ra, vấn đề vốn cũng bó buộc doanh nghiệp khi tỷ lệ vốn được vay cho ngành cơ khí đang thấp, lãi cao, thời gian vay ngắn. Về đầu ra, chính sách và cơ chế hiện nay chưa tạo ra đơn hàng và thị trường cho cơ khí trong nước.

Theo ông Thụ, dự kiến từ nay đến hết năm 2035, Việt Nam sẽ chi 189 tỷ USD mua máy móc cho xi măng, sắt thép, thiết bị. Nếu giả sử chúng ta cắt 30% số này (khoảng gần 60 tỷ USD) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước, có thể nuôi được hàng triệu lao động và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn so với các nước.

Ông Thụ cho hay: "Thời gian qua, ngành cơ khí yếu kém không phải lỗi của doanh nghiệp, họ đã cố gắng hết sức rồi. Cơ khí phát triển được không là do ý chí của Nhà nước chứ đừng đổ thừa cho doanh nghiệp”.

Ông này biện minh: "Ngay cả Mỹ bây giờ, họ cũng có xu hướng bảo vệ thị trường ở các lĩnh vực nhạy cảm. Việt Nam quá dễ dãi với DN nước ngoài. Cho nên, không bảo vệ thị trường trong nước, không nuôi được lực lượng lao động cơ khí. Chúng tôi không đòi hỏi ưu đãi, chúng tôi chỉ muốn có được thị trường, đơn hàng và niềm tin", ông Thụ nói.

Nguyễn Tuyền