1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sau nhiều năm bảo hộ, ngành công nghiệp vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn!

(Dân trí) - Nhận xét về chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn.


Sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn.

Sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn.

Chính sách phát triển công nghiệp có quá nhiều "mũi nhọn"

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế Chính sách Công nghiệp Quốc gia sáng nay (10/3), ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, qua các thời kỳ, Việt Nam luôn quan tâm đề ra những chủ trương, chính sách thúc đẩy công nghiệp, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007.

Những chính sách trên đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong hơn 10 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 10 năm qua tăng 3,42 lần, tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32% tổng GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp tăng gần 3,5 lần.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, quá trình phát triển công nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, điển hình như: Công nghiệp còn ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các FDI vào doanh nghiệp trong nước còn hạn chế…

Ông Bình cho rằng, những yếu kém, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, ông cho rằng cần phân tích, làm rõ những nút thắt, rào cản trong phát triển công nghiệp Việt Nam đồng thời đề xuất làm rõ các mục tiêu, quan điểm của chính sách công nghiệp quốc gia trong giai đoạn tới.

Tại hội thảo, GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản cho rằng, Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hoá vừa theo diện rộng, vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp, đồng thời cần có chính sách khôn ngoan chọn lựa FDI và nuôi dưỡng các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng.

GS Trần Văn Thọ cho rằng, Việt Nam chậm đưa ra những chính sách thích hợp và thiếu nỗ lực cải cách hệ thống quản lý hành chính, thiếu cán bộ quản lý có năng lực và trách nhiệm, nên đã không thu hút được nhiều FDI trong các ngành liên quan các loại máy móc.

“Chiến lược quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng rất tiếc hiện nay các ngành này ở Việt Nam còn rất yếu”, ông Thọ nói.

Giáo sư David Dapice, Đại học Havard (Mỹ) cho rằng, vấn đề thấy được ở đây là giá trị gia tăng thấp trong nhiều ngành xuất khẩu, sản xuất. Hầu hết phụ kiện phải nhập khẩu và thập chí sau một thập kỷ thì cũng rất hiếm có công ty sản xuất phụ tùng nhỏ nào của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tại Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc.

“Cần phải giảm các khoản chi, nhất là các chi phí không chính thức là một vấn đề không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng chậm hay nhanh mà còn vì sự ổn định xã hội và chính trị”, ông nói.

Còn theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua “mang hình hài của quả mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá”.

“Giờ, điều này đến lúc buộc phải thay đổi”, ông Kiên nhấn mạnh.

Phát triển công nghiệp: "Có nhiều danh mục mơ ước nhưng phải thực tế"

Trong tham luận của mình, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, vấn đề chính không phải là nên hay không nên có chính sách công nghiệp ưu tiên mà vấn đề là nên có chính sách công nghiệp ưu tiên như thế nào.

“Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay. Thay vào đó, Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số “lĩnh vực năng lực” phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước”, TS Vũ Thành Tự Anh kiến nghị.

Ông Vũ Thành Tự Anh chỉ ra rằng, sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn. Nếu nhìn sau con chíp điện tử của Intel hay điện thoại Samsung thì thấy đó chỉ là gia công lắp ráp. Việt Nam không có nhà cung ứng cấp 1, 2… cho Intel, Samsung, đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng chỉ ở mức 3% với Intel và 8% với Samsung.

Trong khi đó, một số ngành công nghiệp khác như dệt may, da giày đều phải cạnh tranh quyết liệt nhưng không được bảo hộ như sản xuất thép, sản xuất ô tô kể trên.

Theo đó, chuyên gia từ Fullbright cho rằng, việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phải lựa chọn dựa trên thực tế và bối cảnh quốc gia. Theo đó, những ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển phải đáp ứng một số tiêu chí như: đủ năng lực cạnh tranh, xuất khẩu và phải đáp ứng được kỷ luật về thời gian, khuôn khổ hỗ trợ.

“Có rất nhiều danh mục mơ ước nhưng không dựa vào thực tế, bối cảnh hiện tại thì thất bại. Nếu anh xứng đáng thì được ưu tiên, Chính phủ không thể hỗ trợ bằng bất cứ giá nào. ”, ông nói thêm.

Phương Dung