1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu “hiến kế” chính sách công nghiệp quốc gia

(Dân trí) - Góp ý cho dự thảo Chính sách công nghiệp quốc gia Việt Nam giai đoạn tới, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua còn chưa đồng bộ, tầm nhìn và định hướng chưa phù hợp; còn thiếu các chính sách cụ thể, thiếu sự ưu tiên về nguồn lực để theo đuổi một cách nhất quán và quyết liệt các mục tiêu đã đề ra.


Nhiều nhà máy công nghiệp hiện vẫn đang sản xuất nhưng chịu cảnh thua lỗ, giống như Nhà máy Đạm Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Nhiều nhà máy công nghiệp hiện vẫn đang sản xuất nhưng chịu cảnh thua lỗ, giống như Nhà máy Đạm Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Công nghiệp hoá không đạt mục tiêu, thua xa nhiều nước

Nhận xét về tình hình phát triển ngành công nghiệp Việt Nam thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, “việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đã đề ra”.

Thực tế, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, điển hìnhnhư: tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp; -, năng suất lao động thấp. Sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ khoa học - công nghệ của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo chưa cao.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần, đạt 1,166 triệu tỷ đồng vào năm 2015 với tỉ trọng GDP công nghiệp duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, đầu tư cho sản xuất công nghiệp tăng, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Một số ngành sản xuất công nghiệp có tốc độ đổi mới, nâng cấp công nghệ khá nhanh theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, công nghiệp Việt Nam nhìn chung đang ở mức độ phát triển thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực yếu. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước vẫn chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên, sử dụng công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động giá rẻ.Năng suất lao động công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo còn ở mức thấp.

"Nền công nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực FDI không có sự kết nối chặt chẽ với khu vực tư nhân trong nước. Lợi thế của đất nước (như dân số vàng, vị trí địa chính trị, lợi thế của nước thực hiện công nghiệp hóa sau…) chưa được phát huy", một chuyên gia kinh tế góp ý.

Trong giai đoạn 2011-2015, ngoại trừ điện tử, máy tính và sản phẩm quang học là ngành công nghệ cao đạt tốc độ tăng trưởng cao, song vẫn chủ yếu ở khâu gia công, lắp ráp,. Một số ngành công nghiệp ưu tiên tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu là nhờ mở rộng quy mô, tận dụng lao động và ưu đãi về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, ưu đãi tài chính.

Trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh công nghiệp của UNIDO năm 2016, Việt Nam xếp hạng 50 trên tổng số 141 nước được xếp hạng, tăng 44 bậc so với bảng xếp hạng năm 1990. Tuy nhiên, so với các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên Philipines (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 90), kém xa các nước khác trong khu vực.

Xem xét chỉ số giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo (MVA) cho thấy, MVA bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng mạnh từ 173,6 USD năm 2009 lên 235,6 USD năm 2013. Tuy nhiên, khoảng cách so với ngưỡng 1.000 USD của các nước công nghiệp hóa mới theo phân loại của UNIDO còn khá xa. Nếu công nghiệp chỉ phát triển hiện nay, không có những thay đổi đột phá, Việt Nam cần khoảng 20 năm mới có thể đạt mức bình quân MVA là 1.000 USD. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số MVA bình quân đầu người, kém nhiều so với các nước trong khu vực (Singapore thứ 1/143, Malaysia thứ 41/143, Thái Lan 49/143).


Việt Nam thiếu chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Ảnh minh họa (Nguyễn Tuyền)

Việt Nam thiếu chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Ảnh minh họa (Nguyễn Tuyền)

Thiếu chính sách phát triển mang tính đột phá chiến lược

Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá aocòn chưa đồng bộ, tầm nhìn và định hướng chưa phù hợp; còn thiếu các chính sách cụ thể, thiếu sự ưu tiên về nguồn lực để theo đuổi một cách nhất quán và quyết liệt các mục tiêu đã đề ra.

Về phát triển công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, GS.TS Trần Văn Thọ - Đại học Tokyo cũng đề xuất những chiến lược, chính sách cho giai đoạn tới. Trong đó, GS Thọ cho rằng, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ.

“Ngoại lực ngày nay phong phú nhưng nội lực mới quyết định quá trình công nghiệp hóa hiệu quả. Có quan điểm cho rằng tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là do đào tạo tràn lan. Thế nhưng, suy cho cùng, tình trạng thất nghiệp là do năng lực và sự thích ứng của nguồn nhân lực với công nghệ”, GS Thọ nhấn mạnh.

PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TPHCM đánh giá, chiến lược công nghiệp trước đây đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong bối cảnh khó khăn, phù hợp cho giai đoạn tăng trưởng và giảm nghèo. Chiến lược này không còn phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Trong thời gian qua các chính sách công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp năng lượng… chưa thật sự mang lại các kết quả như mục tiêu đã đề ra. Chính vì vậy, dường như chúng ta lúng túng vì chưa có chiến lược công nghiệp bài bản”, ông Huỳnh Thành Đạt nhận định.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thời cơ để chúng ta xây dựng và thực thi chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của nó.Theo đó, Chính phủ cần xây dựng các chương trình mục tiêu công nghiệp cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế.

TS Nguyễn Thắng (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng nhấn mạnh, Việt Nam thực sự cần có các định chế và chính sách phù hợpđể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong việc khắc phục những hạn chế ràng buộc liên quan đến nguồn vốn, quản lý rủi ro và nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Việt Nam đã tỏ ra yếu kém trên bảng xếp hạng về khả năng cạnh tranh, công nghệ và năng lực sáng tạo, nhưng không phải là không có cơ hội khi ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.Điều này có thể giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới cho một số sản phẩm chế tạo công nghệ cao có chọn lọc”, ông nói.

Ngày 10/3/2017, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Viễn thông Quân đội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia: Thực trạng và định hướng đổi mới”. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Kinh tế Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các DNTW; Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Cùng tham dự còn có các chuyên gia quốc tế đến từ Trường Đại học Waseda Nhật Bản, Đại học Harvard Mỹ, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, đại điện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí.

Hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035” để tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đóng góp cho việc thực hiện chiến lược quan trọng này. Hội thảo diễn ra trong thời điểm này thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc đưa ra những chủ trương, đường lối cũng như việc ban hành những chính sách phát triển công nghiệp đất nướctrong thời gian tới.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm