Tranh mua cổ phiếu Petrolimex sau đề xuất tăng thuế môi trường kịch khung

(Dân trí) - Sau tin Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít, cổ phiếu PLX của Petrolimex trên sàn chứng khoán hôm nay được giới đầu tư tranh mua, tăng giá kịch trần lên 82.900 đồng/cổ phiếu.

Phiên giao dịch ngày 23/2, với 29 trong 30 mã cổ phiếu tiêu biểu của sàn TPHCM (HSX) tăng giá, chỉ số VN30-Index ghi nhận mức tăng mạnh 25,68 điểm tương ứng 2,41%. Nhờ đó, chỉ số chính VN-Index cũng vọt tăng 26,82 điểm tương ứng 2,49% lên 1.102,85 điểm, chính thức chinh phục mốc 1.100 điểm.

Chỉ số đóng cửa ở mức tăng cao nhất trong phiên hôm nay một phần lớn nhờ vào sự dẫn dắt của các mã cổ phiếu vốn hoá lớn. Cụ thể, BVH hôm nay tiếp tục tăng mạnh 4.800 đồng, VNM tăng 5.000 đồng. Đáng chú ý, VCB và PLX tăng kịch trần.

Petrolimex vẫn đang chiếm thị phần lớn nhất về xăng dầu
Petrolimex vẫn đang chiếm thị phần lớn nhất về xăng dầu

Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phiên hôm nay tăng mạnh sau thông tin Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Tại dự thảo Nghị quyết này là Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít…

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đang tích cực trong việc sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường, đề xuất nâng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít như hiện nay lên 3.000 đồng-8.000 đồng/lít.

Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng sẽ làm giá bán xăng dầu tăng lên.

Cụ thể, đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế bảo vệ môi trường trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc tăng thuế, số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến đối với xăng, dầu khoảng 55.591 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm.

Là ông lớn đang chiếm gần một nửa thị phần xăng dầu trên cả nước, Petrolimex rất ủng hộ về chủ trương tăng thuế môi trường với xăng dầu. Cách đây 1 năm, tập đoàn này từng có văn bản gửi Bộ Tài chính tán thành việc tăng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ mức trần 4.000 đồng lên 8.000 đồng/lít.

Ngoài ra, tập đoàn này còn đề nghị tăng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường dầu nhờn so với mức 900-4.000 đồng/kg của dự thảo.

Một động lực khác khiến cổ phiếu PLX tăng trần hôm nay còn đến từ thông tin Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn khỏi Petrolimex trong năm nay.

Cụ thể, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, theo bà Tào Thị Kim Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương), trong năm 2018 này, Bộ Công Thương sẽ tập trung thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn, trong đó có Petrolimex.

Kể từ khi niêm yết trên sàn HSX vào tháng 4/2017 với giá khởi điểm là 43.200 đồng/cổ phiếu, đến thời điểm hiện tại, mức giá của PLX đã là 82.900 đồng/cổ phiếu.

Bích Diệp

Tranh mua cổ phiếu Petrolimex sau đề xuất tăng thuế môi trường kịch khung - 2