Tăng thuế đối với xăng dầu: Đừng vì chi kém hiệu quả mà tăng thu, người dân "gánh" thiệt
(Dân trí) - Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung đối với cả xăng và dầu. Tuy nhiên ngay sau khi được đưa ra, đề xuất này đã vấp phải không ít quan điểm trái chiều từ phía dư luận.
Lý do tăng thuế không thuyết phục
Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung đối với cả xăng và dầu. Riêng với xăng đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít…
Bộ Tài chính cho biết, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng. Mức thuế mới này dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2018.
Ngay sai khi đề xuất đưa ra, các chuyên gia kinh tế lên tiếng cho rằng, giá xăng dầu hiện nay phải "cõng" rất nhiều loại thuế, phí. Nếu tiếp tục tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu sẽ khiến mặt bằng giá tăng.
Trong khi đó, lý do đưa ra để tăng giá xăng của Bộ Tài chính chưa thuyết phục và đặc biệt không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để thu rồi chi tiêu cho việc khác.
Nói với Dân trí, TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho biết không ủng hộ cách thức tăng thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính. Cách làm này đang khiến thông điệp bảo vệ môi trường bị sai lệch đi.
"Vì số tiền thu về không dùng nhiều cho mục đích bảo vệ môi trường, mà dùng cho hoạt động chi khác. Trong các báo cáo của mình, Bộ Tài chính không giải trình được điều này", ông Minh nói.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, Bộ Tài chính tăng thuế thực chất là do nguồn thu thuế từ việc nhập khẩu bị cắt giảm. Rõ ràng họ đang dùng "cái mũ" bảo vệ môi trường để "chụp" lên việc đó.
"Bản chất của thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam không phải là khoản thuế sau khi thu về, sẽ được dùng để chi tiêu trong một lĩnh vực, hay cho một mục đích cụ thể nào đó. Nó sẽ hòa chung vào NSNN để sử dụng chi cho rất nhiều hoạt động", ông Tuấn Minh nói.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, thuế bảo vệ môi trường tăng lên chắc chắn sẽ gây áp lực tăng giá thành do đây là yếu tố đầu vào quan trọng đối với bất kỳ một doanh nghiệp vận tải nào. Trong khi đó, các loại phí bảo trì đường bộ, phí BOT vẫn đang là gánh nặng cho doanh nghiệp.
"Tôi rất đồng tình với ý kiến thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường, chỉ cần các bộ, ngành tiết kiệm 2% chi thường xuyên là có thể tiết kiệm 15.000 tỷ đồng, tương đương với phần thu được từ việc tăng thuế", ông Hỷ nói.
Theo TS. Đinh Tuấn Minh, với việc các khoản chi thường xuyên hiện chiếm tới 70% thu ngân sách quốc gia, trong đó chủ yếu chi cho con người, tiền lương và các hoạt động không sinh lợi khác, chỉ còn phần ít ỏi còn lại chi cho đầu tư phát triển.
"Khi không cắt giảm được số chi và các khoản chi, bắt buộc phải tăng thu để cân đối ngân sách. Do vậy, nếu chúng ta không giảm chi được thì không còn cách phải tăng thu, tăng thu không được thì buộc phải tăng vay. Nhưng vay thì vướng vào trần nợ công. Do vậy, tăng thu vẫn là phương án dễ hơn", vị chuyên gia nhận định.
Không tăng thuế BVMT, phương án nào khác thay thế?
Vậy câu hỏi đặt ra, nếu không thực hiện tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì còn phương án nào để "cơ cấu lại NSNN đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững" như mong muốn của Bộ Tài chính?
Trả lời câu hỏi này, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng trước khi nghĩ đến tăng thu thì cần đảm bảo chi tiêu sao cho tiết kiệm, hiệu quả. Chi tiêu ngân sách không hiệu quả là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam.
"Không còn cách nào khác giờ phải siết chặt chi tiêu. Nếu không chi hiệu quả mà cứ tăng thu kiểu vậy thì sẽ tăng sự bức xúc của người dân. Hãy giải quyết vấn đề cốt lõi, căn cơ trước khi tính đến việc tăng thu", ông Huỳnh Thế Du (Giảng viên Đại học Fulbright) đã nói như vậy với Dân trí.
Còn theo TS. Đinh Tuấn Minh, việc tăng thuế xăng dầu là hành động đánh vào các mặt hàng thiết yếu, mang tính chất bắt buộc, người dân không có một lựa chọn nào thay thế như những loại hàng hoá khác. Như vậy, những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi họ không thể tiết kiệm trong khi nhu cầu đi lại của họ là rất nhiều.
Do vậy có thể tính với phương án tăng thuế giá trị gia tăng thay vì tăng thuế xăng dầu. Dù đề xuất này của Bộ Tài chính thời gian qua bị dư luận phản ứng khá mạnh nhưng vẫn hợp lý hơn so với tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Vì ít nhất, tác động của việc tăng thuế VAT cũng ít tác động tới người nghèo hơn so với tăng thuế xăng, dầu.
"Xét về mặt xã hội, thì đối tượng chịu thuế của điều chỉnh VAT có tính công bằng hơn việc tăng thuế môi trường", ông Minh nêu quan điểm.
Sau khi đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính đưa ra, không ít bạn đọc bày tỏ sự bức xúc và cho rằng: Nước còn nghèo, dân còn nghèo lắm, chi tiêu cần phải tiết kiệm, đừng phung phí! Giảm chi để giảm thu, để dân còn nhờ, đừng cứ tăng thu để bù chi, rồi tất cả dân phải chịu.
"Trong bối cảnh hiện tại thì đề xuất tăng thuế này vấp phải sự phản đối rất lớn của dư luận bởi tâm ký người dẫn vốn đã rất bức xúc về thuế khoá nặng nề. Trong khi đó, việc chi ngân sách cao lại kém hiệu quả. Nếu cứ cố tăng, niềm tin của người dân đối với nhà nước có khả năng bị ảnh hưởng", một vị chuyên gia nêu quan điểm.
Nguyễn Khánh