Tăng thuế xăng dầu, do chi tiêu bất hợp lý chứ không hẳn vì bảo vệ môi trường

(Dân trí) - "Việc tăng thuế thời điểm này sẽ làm người dân hiểu rằng ngân sách khó khăn, do chi tiêu không hiệu quả nên tăng thuế chứ không phải vì bảo vệ môi trường. Do vậy muốn được sự đồng thuận của người dân, cần phải cân nhắc yếu tố này", TS. Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) nói với Dân trí.

Nếu thực sự để bảo vệ môi trường, ông Huỳnh Thế Du cho rằng: Khi đưa ra đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính phải làm rõ thu bao nhiêu từ đề xuất này, sẽ chi bao nhiêu vào bảo vệ môi trường...
Nếu thực sự để bảo vệ môi trường, ông Huỳnh Thế Du cho rằng: Khi đưa ra đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính phải làm rõ thu bao nhiêu từ đề xuất này, sẽ chi bao nhiêu vào bảo vệ môi trường...

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế với xăng dầu.

Theo dự thảo, Bộ đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung đối với cả xăng và dầu. Riêng với xăng đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít…

Bộ Tài chính cho biết, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng. Mức thuế mới này dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/7 tới đây.

Ngay sau khi dự thảo được công bố, nhiều ý kiến đã lên tiếng không đồng thuận với đề xuất này, bởi cho rằng giá xăng dầu hiện nay phải "cõng" rất nhiều loại thuế, phí. Nếu tiếp tục tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu sẽ khiến mặt bằng giá tăng.

Đáng lưu ý, một số chuyên gia kinh tế chỉ rõ ra rằng, lý do đưa ra để tăng giá xăng của Bộ Tài chính chưa thuyết phục và đặc biệt không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để thu rồi chi tiêu cho việc khác.

Trao đổi với Dân trí, TS. Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là hợp lý nếu vì lý do môi trường.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì đề xuất tăng thuế này vấp phải sự phản đối rất lớn của dư luận bởi tâm ký người dân vốn đã rất bức xúc về thuế phí nặng nề. Trong khi đó, việc chi ngân sách cao lại kém hiệu quả", ông Huỳnh Thế Du nói.

Năm 2016, tỷ lệ thu ngân sách/GDP chiếm tới 22,5%, cao hơn so với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Philippines, Maylaysia, Trung Quốc và chỉ thấp hơn so với Nhật Bản. Tỷ lệ chi ngân sách ở Việt Nam năm 2016 chiếm tới 28,3% GDP và cũng cao hơn một loạt các nước kể trên, chỉ thấp sau Nhật Bản.

"Việc tăng thuế thời điểm này sẽ làm người dân hiểu rằng ngân sách khó khăn, do chi tiêu không hiệu quả nên tăng thuế chứ không phải vì bảo vệ môi trường. Do vậy muốn được sự đồng thuận của người dân, cần phải cân nhắc yếu tố này", ông Du nói thêm.

Thay vì tăng thuế trong thời điểm này, ông Du cho rằng việc cần làm hiện nay là tinh giản bộ máy và cắt giảm chi tiêu để hiệu quả hơn. Trục trặc lớn nhất của Việt Nam đã được nhiều chuyên gia chỉ ra từ rất lâu này đó chi tiêu ngân sách không hiệu quả.

"Nếu cứ cố tăng thời điểm hiện nay, niềm tin của người dân đối với nhà nước có khả năng bị ảnh hưởng, tạo hiệu ứng bức xúc", ông Du nêu quan điểm. Hãy giải quyết vấn đề cốt lõi, căn cơ trước khi tính đến việc tăng thu.

Lý do Bộ đưa ra chỉ là "cái cớ"

Dưới góc nhìn một chuyên gia kinh tế, ông Huỳnh Thế Du cho biết, không đồng tình việc Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế do thu ngân sách giảm. Thực chất trong đợt tăng thuế này, Bộ Tài chính muốn tăng thuế để bù đắp hụt thu nhưng lại đưa ra "cái cớ" để bảo vệ môi trường.

"Không nên núp bóng thu ngân sách nhà nước để tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Muốn tăng thu, Bộ Tài chính ít nhất cũng cần phải có những giải thích rõ ràng. Hãy làm rõ những tác động tiêu cực, chi phí tiêu cực từ xăng dầu", ông Du nói.

Nếu thực sự để bảo vệ môi trường, vị chuyên gia này cho rằng: Khi đưa ra đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính phải làm rõ thu bao nhiêu từ đề xuất này, sẽ chi bao nhiêu vào bảo vệ môi trường. Mỗi lít xăng gánh thêm 1.000 đồng thì ngân sách tăng thêm mấy nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vậy số tiền này sẽ được chi như thế nào?

"Số tiền thuế môi trường phải được báo cáo cho Quốc hội, sử dụng thuế vào những dự án, mục đích gì, hiệu quả nó như thế nào. Minh bạch quản lý tốt phần chi ngân sách giảm sự lãng phí là biện pháp cân đối tốt ngân sách, chứ không cần tăng thuế", ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

Chuyên gia Fullbright cho rằng, nếu Bộ Tài chính làm rõ được việc sẽ dùng số tiền này xử lý vào việc bảo vệ môi trường các khoản như thế nào thì sẽ dễ nhận đồng thuận từ người dân hơn.

Về tác động nếu đề xuất tăng thuế được chấp thuận, ông Du nhận định khả năng giá cả nền kinh tế sẽ tăng lên. "Việc tăng thuế này chắc chắn sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh một số ngành nghề nhất định. Tuy nhiên, cũng chưa chắc đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế nếu sử dụng nguồn thu này một cách hiệu quả", ông Du nói và nhấn mạnh: Còn nếu tiếp tục chi tiêu bất cập thì người dân sẽ thiệt đủ mọi mặt.

Trước đó, lên tiếng giải thích sau khi "vấp" phải phản ứng trái chiều từ dư luận, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đề xuất tăng thuế nói trên nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững, trong đó có giải pháp là cơ cấu lại nguồn thu NSNN.

Cùng với đó là thực hiện Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội cũng đưa ra một giải pháp cơ cấu lại NSNN là phải hoàn thiện cơ cấu lại nguồn thu NSNN, phải khai thác tốt các nguồn thu từ tài sản, tài nguyên và môi trường.

Mặt khác, đề xuất tăng thuế này còn xuất phát từ thực tế Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới với 11 hiệp định FTA. Theo đó, Việt Nam còn phải giảm dần mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%.

Việt Nam đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh, theo ông Thi. Vì vậy, tăng thuế là nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, xét trên giác độ bảo vệ môi trường có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nylon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Bản thân các mặt hàng này, không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Mặt khác, giá xăng dầu của chúng ta hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước trên thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của Việt Nam thấp hơn 122 nước.

Nguyễn Khánh

Tăng thuế xăng dầu, do chi tiêu bất hợp lý chứ không hẳn vì bảo vệ môi trường - 2