1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Tổng giá trị thương hiệu Việt đạt 172 tỷ USD

(Dân trí) - Giá trị thương hiệu của Việt Nam tính năm 2014 là 172 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2013 và chỉ cao hơn so với thương hiệu đình đám Apple 2 tỷ USD.

 

thuong-hieu-0d2af
Giá trị thương hiệu của Việt Nam tính đến năm 2014 là 172 tỷ USD.

Phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2015 diễn ra ngày 4/8, ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Brand Finance - Công ty tư vấn thương hiệu quốc tế tại Việt Nam cho hay, giá trị thương hiệu của Việt Nam tính năm 2014 là 172 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2013 và chỉ cao hơn so với thương hiệu đình đám Apple 2 tỷ USD.

Tính trong khối ASEAN, Việt Nam vươn lên đứng thứ 6, sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và chỉ cao hơn Campuchia, Brunei. Tại Việt Nam, mỗi năm chỉ chọn ra 63 thương hiệu đạt chuẩn, con số này quá nhỏ so với Thái Lan mỗi năm chọn 300 thương hiệu quốc gia.

Trong khu vực Châu Á, giá trị thương hiệu Việt Nam đứng thứ 15, trong đó Trung Quốc đứng đầu tiên. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đứng thứ 8 trong top 10 quốc gia phát triển nhanh nhất về thương hiệu quốc gia.

"Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng thương hiệu trong xu thế hội nhập trong khi áp lực cạnh tranh thời gian tới là rất lớn”, ông Mạnh nói.

Ông Mạnh khẳng định, thương hiệu Quốc gia là thành tố quan trọng nâng cạnh sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam bởi nó có thể tác động tới cán cân thanh toán bằng cách tạo ra ảnh hưởng tới đầu tư, thu hút vốn, khuyến khích người dân trong và ngoài nước mua sắm sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu. Doanh nghiệp cần đầu tư hơn cho xây dựng thương hiệu và phải có định hướng, xây dựng thương hiệu xuất phát từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa một cách bền vững và tạo ra niềm tin với khách hàng.

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, nếu sản phẩm tốt, nếu mặt hàng tốt, chất lượng cao cũng như giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng không được xây dựng thương hiệu, không được người tiêu dùng biết đến thương hiệu thì sản phẩm đó khó phát triển được.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, cần có được định hướng xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và các thương hiệu, các ngành hàng của địa phương cũng như các sản phẩm có uy tín nói riêng sẽ được người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế biết và tin dùng.

Trao đổi tại Diễn đàn, các chuyên gia về thương hiệu đều cho rằng, Việt Nam có nhiều sản phẩm chất lượng nhưng việc xây dựng thương hiệu quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, muốn đưa thương hiệu Việt ngự trị trong lòng người Việt và xa hơn nữa là vươn ra thế giới, các doanh nghiệp cần nắm bắt về cách thức xây dựng thương hiệu, vai trò, sức mạnh của thương hiệu quốc gia, cũng như đánh giá được khuynh hướng và thái độ người tiêu dùng đối với lựa chọn thương hiệu Việt Nam và thương hiệu nước ngoài.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thì cho rằng, vẫn còn doanh nghiệp Việt Nam dù đã có chuyển biến về nhận thức đối với xây dựng thương hiệu nhưng tiềm lực, năng lực còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới, chương trình Thương hiệu Quốc gia tiếp tục triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phương Dung

Tổng giá trị thương hiệu Việt đạt 172 tỷ USD - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm