Thưởng Tết năm 2017: Nơi mua được ôtô, nơi chỉ đủ ăn bát phở

Ngày 9/1, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH) công bố mức thưởng tết năm 2017, trong đó có sự chênh lệch rất lớn giữa mức thưởng cao nhất và thấp nhất. Cụ thể, một DN ở TPHCM thưởng tết lên tới 1 tỉ đồng trong khi có DN chỉ thưởng 50.000 đồng. Ngoài ra, Bộ LĐTBXH còn cho biết, dù lương tăng bình quân 7,5% so với năm 2015, nhưng người lao động vẫn “khó sống”.

Chênh lệch “khủng khiếp”

Lâu nay, mức thưởng tết giữa các địa phương, DN, vùng miền, ngành nghề có mức chênh lệch cao, thậm chí lên tới hàng tỉ đồng. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, người có mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng, thuộc DN FDI ở Hải Dương; mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng, thuộc DN FDI, ở Bình Phước.

Về thưởng Tết Nguyên đán 2017, theo ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTBXH), khảo sát tiền lương và thưởng Tết Nguyên đán 2017 được thực hiện trên 63/63 tỉnh, thành phố với 23.495 DN và 3,72 triệu người lao động. Mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Bến Tre và tại doanh nghiệp FDI ở các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Hải Dương. Mức thưởng cao nhất tại DN dân doanh ở TPHCM là 1 tỉ đồng, cao hơn hẳn so với mức thưởng kỷ lục năm 2016 là 624 triệu đồng tại tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, mức thưởng tết bình quân khoảng 1 tháng lương, tương đương 4,9 triệu đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016.


Công nhân KCN ở tỉnh Hải Dương. Ảnh: Hải Nguyễn

Công nhân KCN ở tỉnh Hải Dương. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo thống kê của Vụ Lao động - Tiền lương, đến thời điểm này mới có 83,5% số doanh nghiệp báo cáo có phương án thưởng dịp Tết Nguyên đán cho người lao động. Với các doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng cuối năm, bộ chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn tìm giải pháp tiết kiệm chi phí để chia sẻ, hỗ trợ với người lao động trong dịp tết.

Ông Lai cho rằng, năm 2016, bên cạnh những thuận lợi kinh tế vĩ mô, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vẫn có 110,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, do khó khăn hơn 60.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 12.400 đơn vị hoàn tất thủ tục giải thể, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của lao động.

Khu vực dân doanh dẫn đầu về tốc độ tăng lương

Theo điều tra của Bộ LĐTBXH với 2.000 doanh nghiệp quy mô lao động bình quân 360 người/DN, tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước thì tiền lương, thu nhập có xu hướng ổn định và tăng so với năm 2015.

Theo đó, tiền lương bình quân ước thực hiện năm 2016 là 5,71 triệu đồng/tháng, tăng 7,5% so với năm 2015 (5,31 triệu đồng/tháng). Trong đó, DN nhà nước ước thực hiện 7,08 triệu đồng/tháng, tăng 1,85% so với năm 2015 (6,98 triệu đồng/tháng); công ty cổ phần có góp vốn của Nhà nước thực hiện 6 triệu đồng/tháng, tăng 2,56% so với năm 2015 (5,85 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp dân doanh ước thực hiện 5,47 triệu đồng/tháng, tăng 10,06% so với năm 2015 (4,97 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp FDI ước thực hiện năm 2016 là 5,69 triệu đồng/tháng, tăng 8,58% so với năm 2015 (5,24 triệu đồng/tháng).

Thu nhập bình quân ước thực hiện năm 2016 là 6,03 triệu đồng/tháng, tăng 5,4% so với năm 2015 (5,72 triệu đồng/tháng), trong đó: DN nhà nước ước thực hiện 7,75 triệu đồng/tháng, tăng 2,78% so với năm 2015 (7,54 triệu đồng/tháng); công ty cổ phần có góp vốn của Nhà nước thực hiện 6,48 triệu đồng/tháng, tăng 0,15% so với năm 2015 (6,47 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp dân doanh ước thực hiện 6,04 triệu đồng/tháng, tăng 7,86% so với năm 2015 (5,60 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp FDI ước thực hiện năm 2016 là 5,70 triệu đồng/tháng, tăng 6,74% so với năm 2015 (5,34 triệu đồng/tháng).

Từ 1/1/2017, mức lương tối thiểu vùng đã được tăng lên tuy nhiên theo đánh giá, mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được khoảng 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Năm 2017 được cho là một năm đột phá, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển như chỉ đạo chung của Chính phủ. Chính vì vậy dù sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng mức lương của người lao động nhiều khả năng sẽ có những chuyển biến tích cực.

Theo Lê Phương
Lao động