Nghệ An: Thưởng Tết Đinh Dậu thấp thua năm ngoái
(Dân trí) - Mức thưởng Tết cao nhất tại Nghệ An thuộc về Công ty TNHH Mía đường Nghệ An với 63 triệu đồng, tuy nhiên mức thưởng này vẫn thấp thua năm ngoái. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp thưởng Tết với mức tượng trưng và nhiều lao động vẫn đang bị nợ lương.
Sở LĐ-TB & XH tỉnh Nghệ An vừa công bố kết quả khảo sát tiền thưởng Tết và tình hình tiền lương của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc khảo sát được thực hiện tại 24/24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, 15/46 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, 18/9.100 doanh nghiệp dân doanh và 11/30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều có thưởng Tết dương lịch 2016 cho người lao động với mức thưởng trung bình từ 360 nghìn đến 950 nghìn đồng. Trong đó mức thưởng Tết dương lịch cao nhất của khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là 10 triệu đồng, doanh nghiệp FDI 3,3 triệu đồng, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 1 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh 500 nghìn đồng.
Theo số liệu khảo sát thì mức thưởng Tết âm lịch cao nhất vẫn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đứng đầu là Công ty TNHH Mía đường Nghệ An với số tiền thưởng Tết lên tới 63 triệu đồng. Đây là doanh nghiệp luôn dẫn đầu về thưởng Tết tại Nghệ An mấy năm trở lại đây, tuy nhiên, mức thưởng Tết Đinh Dậu 2017 vẫn thấp thua mức thưởng Tết Bính Thân 2016 (80 triệu đồng).
Khối doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất là 40 triệu đồng, thuộc về Công ty TNHH một thành viên Tân Khánh An. Khối doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước, mức thưởng cao nhất là 50 triệu đồng, thuộc về Công ty xăng dầu Nghệ An. Công ty CP 496 có mức thưởng Tết cao nhất 15 triệu đồng, dẫn đầu các doanh nghiệp dân doanh được khảo sát.
Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp có mức thưởng Tết Đinh Dậu 2017 mang tính tượng trưng với mức thưởng 200-250 nghìn đồng/lao động.
Trong năm 2016, tiền lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp không có nhiều chênh lệch, từ 4,3 triệu đến 4,6 triệu đồng. Mức tiền lương cao nhất lại có sự khác biệt rõ rệt, nếu như người có mức lương cao nhất của khối doanh nghiệp FDI là 60 triệu đồng thì doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước hay có cổ phần Nhà nước chỉ đạt mức 30-31 triệu đồng, khối doanh nghiệp dân doanh mức lương cao nhất là 23 triệu đồng. Mặc dù vậy, vẫn còn doanh nghiệp nợ lương người lao động với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Đơn cử như Công ty CP 482 nợ lương 310 lao động số tiền hơn 8,3 tỷ đồng; 152 người lao động của Công ty CP 496 bị nợ lương hơn 1,1 tỷ đồng.
Hoàng Lam