Thưởng Tết 1,07 tỷ đồng: Chuyện thường

Một chuyên viên có trình độ ở cấp cao, chuyên thiết kế, đề xuất phương án cho các công trình lớn thì chuyện thưởng tiền tỷ là bình thường.

Thông tin về tình hình lương, thưởng Tết của người lao động năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mức thưởng cao nhất dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 1,07 tỷ đồng cho một chuyên viên thiết kế, lắp đặt hệ thống dàn lạnh tại một doanh nghiệp dân doanh ở TP.HCM.

Thông tin về mức thưởng tết tiền tỷ này thu hút sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với Đất Việt, một giảng viên bộ môn công nghệ nhiệt lạnh (khoa Cơ khí), Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, mô tả công việc của người được thưởng Tết 1,07 tỷ đồng trên báo chí không rõ ràng, không rõ đó là lao động giản đơn hay lao động trình độ cao.

Tuy nhiên, nếu là một người lắp đặt hệ thống dàn lạnh bình thường, theo kiểu lao động giản đơn, chỉ cần công mà không phải tốn chất xám thì mức thưởng trên rất khó tin.

Ngược lại, một nhân sự làm trong lĩnh vực điều hòa không khí, chuyên làm công việc thiết kế, tính toán, đề xuất phương án cho những công trình lớn thì chuyện thưởng Tết cao như vậy hoàn toàn có thể xảy ra và là chuyện hết sức bình thường.

Giải thích thêm về ngành kỹ thuật lạnh, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, kỹ thuật lạnh đang là ngành hot tại Việt Nam, nhu cầu về lao động ngành này luôn rất cao.

"Việt Nam là xứ nhiệt đới, nhu cầu về một môi trường sống và làm việc thoải mái, mát mẻ cao nên cần có điều hòa không khí (cục bộ và trung tâm). Bên cạnh đó, nhu cầu về hệ thống máy lạnh để bảo quản thực phẩm, thuốc, các sản phẩm chế biến phục vụ cho xuất khẩu rất cao. Chính vì thế, hiện nay Việt Nam sử dụng rất nhiều lao động ngành kỹ thuật lạnh để lắp đặt, bảo dưỡng, đảm bảo cho thiết bị hoạt động với hiệu suất cao", PGS.TS Lê Văn Doanh nói và chia sẻ, ở nơi ông công tác, bao nhiêu sinh viên đào tạo ra đều được sử dụng hết, ngay sinh viên năm thứ nhất cũng đã tham gia bảo dưỡng, lắp đặt các hệ thống điện.

Kỹ thuật lạnh là ngành công nghệ cao, hiện  thiết bị, máy móc của ngành này chủ yếu Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, nhưng theo vị chuyên gia, điều này hoàn toàn bình thường, giống như chiếc ô tô không có hãng nào tự làm 100% các thiết bị trên đó mà vẫn nhập khẩu, quan trọng là họ đã áp dụng công nghệ thành công.

PGS.TS Lê Văn Doanh khẳng định, người Việt rất thông minh, nhanh nhạy và đối với các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, nhân lực của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Riêng trong ngành kỹ thuật lạnh ở Việt Nam, có nhiều ông chủ người Việt rất thành đạt. Ngay ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Những công trình nghiên cứu rất đa dạng trong các lĩnh vực từ sản xuất bia, rượu, nước giải khát, sữa chua, chế biến nông sản và thực phẩm đến sản xuất xi măng, xử lý chất thải rắn, tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm nguồn năng lượng mới…

"GS.TS Đinh Văn Nhã là một trường hợp thành công như thế. Ông đã thành lập Công ty Cơ nhiệt Điện lạnh Bách khoa (POLYCO). Đến nay, công ty đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực: Khảo sát, thiết kế trang bị lắp đặt, sửa chữa chuyển giao công nghệ chuyên về: cơ, nhiệt, điện lạnh, tự động hóa, thiết bị đo lường, máy thực phẩm...", PGS.TS Lê Văn Doanh dẫn ví dụ.

Cũng để minh chứng cho năng lực của người Việt, vị chuyên gia nhắc đến kỹ sư Hoàng Đức Thảo - người đã nghiên cứu, ứng dụng rất nhiều công trình khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nhận được giải thưởng ở Việt Nam và được quốc tế khen ngợi. 

Xuất phát điểm là một công nhân, không phải là nhà khoa học chuyên nghiệp, Hoàng Đức Thảo đã phải vừa học vừa nghiên cứu; nhưng "tài sản" công trình của anh tính đến thời điểm này thì khổng lồ. Đặc biệt, công ty của anh Thảo đã thực hiện kè nhiều công trình nhừ kè Hồ Gươm, kè biển bằng công nghệ hoàn toàn mới - công nghệ làm bê tông cốt sợi. Việc sử dụng bê tông cốt sợi và poplystylen thay cho cốt thép nhằm tăng khả năng chống xâm thực của nước biển kết hợp với quá trình thi công chủ yếu là lắp ghép nên đã giúp giảm đáng kể khối lượng công việc và thời gian thi công, tận dụng được vật liệu tại chỗ.

Từ những trường hợp thành công trên, PGS.TS Lê Văn Doanh khẳng định, Việt Nam đang dần cải thiện được tình trạng làm thuê giá rẻ. Đặc biệt, những ý kiến cho rằng Việt Nam có nguồn nhân lực nhưng chưa khai thác được, dẫn đến chảy máu chất xám về các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã không còn hoàn toàn đúng nữa. Nhiều người Việt có năng lực và đã thành công trong lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao.

"Trong kinh tế thị trường, người lao động Việt Nam phải chủ động, phải tìm ra được chỗ hổng trên thị trường, trình bày được cho khách hàng biết mình có khả năng nào, chứ không phải ngồi một chỗ đợi người ta đến. 

Tuy nhiên, việc hình thành một xã hội học tập ở Việt Nam còn kém, sinh viên vẫn theo kiểu bị động, chưa thực sự hăng hái. Muốn giỏi nghề và thành công thì phải khổ công rèn luyện, không phải vào trường rồi thì tất yếu sẽ ra trường", PGS.TS Lê Văn Doanh nói.