Lỗ nghìn tỷ đồng, đường sắt thưởng Tết thế nào?

Tết đã cận kề, người lao động trong ngành Đường sắt đang thấp thỏm từng ngày về khoản thưởng Tết sau một năm quá nhiều khó khăn.

Lỗ nghìn tỷ đồng, đường sắt thưởng Tết thế nào? - 1

Là tổ trưởng sản xuất nhưng năm 2020, thu nhập thực lĩnh của lái tàu Hoàng Ngọc Sơn (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thanh Thúy

Năm 2020, lượng hành khách đi tàu chỉ bằng 47,5% năm ngoái, doanh thu vận tải hành khách giảm 51,7% so với cùng kỳ. Điều này khiến kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất toàn Tổng công ty Đường sắt VN đạt rất thấp, dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. Trong khi đó, Tết đã cận kề, người lao động trong ngành đang thấp thỏm từng ngày về khoản thưởng Tết sau một năm quá nhiều khó khăn.

Người lao động ngóng lương, thưởng Tết

Còn khoảng 3 tuần nữa là Tết, như nhiều đồng nghiệp công tác trên tàu, chị Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội) mong ngóng từng ngày khoản lương, thưởng Tết Tân Sửu.

 

Cả năm 2020, ảnh hưởng dịch Covid-19 và bão lũ, hai vợ chồng chị (đều làm tiếp viên trên tàu) đã phải nghỉ không lương, giãn cách hợp đồng hàng tháng.

"Tết đến tăng tàu, tăng chuyến, hai vợ chồng cố gắng đi nhiều chuyến để có thêm thu nhập. Nhưng cả năm vừa rồi ít tàu, chắc cũng không được bao nhiêu. Lương, thưởng Tết cũng chưa thấy đơn vị thông báo", chị Thủy lo lắng.

Cùng cảnh hai vợ chồng đều làm nhân viên trên tàu, Trưởng tàu khách SPT1/2 (Sài Gòn - Phan Thiết) Trần Thành Công, Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam lại vui mừng cho biết, đã được đơn vị thông báo cố gắng lo cho người lao động, ít nhất cũng có tháng lương thứ 13.

"Năm ngoái, tổng các khoản Tết được khoảng 15 triệu đồng. Năm nay đường sắt lỗ như vậy, đợt vận tải Tết Tân Sửu thì không bán hết vé, lại còn khách trả vé, có ngày trả đến 200 - 300 triệu đồng, thành ra vẫn có tiền Tết là mừng lắm rồi. Trong năm không có việc, thu nhập cả hai vợ chồng chỉ được hơn 5 triệu đồng/tháng", anh Công nói.

Cũng ảnh hưởng từ thua lỗ vận tải, các nhân viên lái tàu bị giảm nặng thu nhập. Anh Hoàng Ngọc Sơn, lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, năm 2020, thu nhập công nhân lái tàu của xí nghiệp giảm từ 25 - 50% so với năm 2019. Là tổ trưởng sản xuất nhưng anh Sơn thực lĩnh chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, còn anh em phụ lái có người chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng.

"Tết đến nơi rồi, cũng mong nhận được lương, thưởng Tết nhưng chưa nhận được thông báo từ đơn vị vì còn phụ thuộc vào phân bổ của Tổng công ty Đường sắt VN. Tết năm ngoái được khoảng 15 triệu đồng các khoản, người ít cũng được chừng 10 triệu đồng nhưng năm nay chắc khó vì trong năm không có tàu, doanh thu thấp", anh Sơn bày tỏ.

Lỗ nghìn tỷ đồng, đường sắt thưởng Tết thế nào? - 2

Nhiều đơn vị đường sắt đang cố gắng co kéo các nguồn để lo lương, thưởng Tết cho người lao động (Trong ảnh: Nhân viên trên tàu kiểm tra vé hành khách tại ga Hà Nội)

Ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết, do đoàn tiếp viên chủ yếu làm công tác phục vụ, không trực tiếp sản xuất nên việc trả lương, thưởng Tết do Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cân đối trên tinh thần cố gắng ít nhất một tháng lương cho người lao động. Riêng đoàn tiếp viên sẽ cân đối từ nguồn lương dự phòng, trả thêm mỗi người khoảng 2 - 3 triệu đồng.

Cũng theo ông Bình, đơn vị cũng thực hiện các giải pháp để tăng thu nhập dịp Tết như: Trong năm, các nhân viên trên tàu phải làm 1 tháng, nghỉ 1 tháng, giờ bố trí đủ đi tàu Tết; thay vì thuê đơn vị vệ sinh như trước thì bố trí anh em làm thêm vệ sinh toa xe để có thêm thu nhập…

Đơn vị cũng tự khai thác được mặt hàng bao bì, vận chuyển trên tàu khách, giao trả các ga dọc đường để các tổ tàu có thêm việc. Ví dụ mỗi toa xe được khoảng 3 triệu đồng tiền công thì chỉ phải trích về Đoàn 5% chi phí quản lý, còn lại tổ tàu giữ lại.

"Nói thật, khó quá. Tàu không chạy thì không có cách gì để trả lương hay thưởng cho anh em cả. Tuy nhiên, việc chăm lo quà Tết, hỗ trợ anh em làm việc ngày Tết vẫn được lo đầy đủ", ông Bình chia sẻ.

Ở khu vực phía Nam, ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm công tác trên tàu Sài Gòn (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) cho hay, do lượng khách đi tàu cả giai đoạn vận chuyển cao điểm Tết Nguyên đán năm nay dự báo sẽ giảm nhiều nên chắc chắn sẽ phải giảm tàu, ảnh hưởng đến doanh thu, thu nhập người lao động.

Vì vậy, Đoàn sẽ tổ chức lại sản xuất để tăng thời gian đi tàu, tức là tăng thu nhập cho nhân viên trên tàu như: Không tuyển học sinh đường sắt tăng cường làm thời vụ như các năm trước, các tổ tàu sẽ quay nhanh các mác tàu để đi được nhiều chuyến hơn…

"Riêng về chi trả lương Tết, chúng tôi sẽ cố gắng lo được ít nhất tháng lương thứ 13. Đầu tháng 2/2021 sẽ ứng tiền cho người lao động để yên tâm bước vào chiến dịch Tết", ông Bảy nói.

"Co kéo" các nguồn để chăm lo Tết

Vừa trở về từ chuyến đi nắm bắt tình hình chăm lo Tết cho người lao động các đơn vị, ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN cho biết, khó khăn nhất hiện nay là các đơn vị vận tải.

Năm 2020, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lỗ 212 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn lỗ 250 tỷ đồng, vì thế cũng không có lợi nhuận để trích lập các quỹ khen thưởng hay quỹ phúc lợi theo quy định, từ đó không có nguồn thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, các công ty có thể dùng các nguồn khác nhau còn lại như quỹ lương dự phòng để chi trả.

Với các đơn vị thuộc công ty mẹ như: Các chi nhánh khai thác ga, đầu máy… cũng rất khó khăn do công ty mẹ không có nguồn bù đắp. Từ năm 2019, khi các công ty vận tải gặp khó khăn, công ty mẹ đã phải giảm giá điều hành GTVT đường sắt và sức kéo đến mức không thể giảm hơn vì còn phải "nuôi" bộ máy, trả lương người lao động các đơn vị trực thuộc. Chính vì thế, nguồn thu của công ty mẹ không có dư địa để tăng lương cho người lao động.

Riêng tổ chức công đoàn, 3 năm nay, do tình hình thu nhập người lao động thấp, cũng không thu đóng góp Quỹ Xã hội của ngành nên dư quỹ để chi cho các hoạt động như hỗ trợ, quà người lao động cũng không nhiều.

Với các đơn vị bảo trì hạ tầng như: Các công ty cổ phần, thông tin tín hiệu vẫn giữ được mức trả lương, thưởng như năm ngoái, có đơn vị hơn một chút do trúng được thầu xây lắp gói 7.000 tỷ đồng, trung bình trên 10 triệu đồng/người.

Thông tin cụ thể, ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh cho biết, năm nay, các khoản mà người lao động được chi trả dịp Tết trung bình khoảng 13 triệu đồng/người, tăng 10%. Trong đó, từ lãnh đạo công ty đến công nhân trực tiếp, ai làm đủ 12 tháng được thưởng 7,2 triệu đồng/người, còn lại chia cho CBCNV theo hệ số, quy chế trả lương từ nguồn dư quỹ lương.