1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng: Ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành ngân hàng

(Dân trí) - Tại quyết định 1058, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu cần nâng cao khả năng cảnh báo sớm của Ngân hàng Nhà nước đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành ngân hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.

Đề án nhằm tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Đề án này cũng sẽ giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.

Ngành ngân hàng thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật gây rúng động (ảnh minh họa).
Ngành ngân hàng thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật gây rúng động (ảnh minh họa).

Quyết định nêu rõ, cần nâng cao khả năng cảnh báo sớm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành ngân hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo định hướng nêu tại đề án này, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, về thị phần, về khả năng điều tiết thị trường.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính sẽ tiếp tục được chấn chỉnh, sắp xếp lại để lành mạnh hóa, nâng cao nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống.

Về giải pháp xử lý nợ xấu, Đề án yêu cầu, các TCTD đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Song song với đó, tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh trong tương lai.

NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh công tác về quản lý, thanh tra, giám sát trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và doanh nghiệp nhà nước.

Cũng theo yêu cầu của đề án, VAMC tập trung triển khai rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp.

Tổ chức này được phép triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; tăng cường phối hợp chặt chẽ với TCTD trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua; hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các dự án dở dang...

Bên cạnh đó là giải pháp xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước trung ương, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm