1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thống đốc Lê Minh Hưng: Sở hữu chéo gây rủi ro, bất ổn cho hệ thống

(Dân trí) - Phát biểu tại Hội nghị về xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các chi nhánh trực thuộc, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận ngành ngân hàng vẫn còn tỷ lệ sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối.

Thống đốc NHNN cho rằng, hiện trạng trên tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây bất ổn với từng hoạt động riêng lẻ và rủi ro toàn hệ thống. Đây là điểm cần nhận diện, đánh giá và thực hiện các giải pháp để xử lý.

Ngành ngân hàng cam kết sẽ kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống (ảnh minh hoạ)
Ngành ngân hàng cam kết sẽ kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống (ảnh minh hoạ)

Được biết, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với NHNN mới đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt 6 nhóm vấn đề lớn mà Thủ tướng yêu cầu NHNN khắc phục, trong đó có nhắc nhở việc kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Chính phủ lưu ý, trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB, thì đến thời điểm này Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank. Do đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư 36, đây là giải pháp căn cơ.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, ngành ngân hàng sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát sở hữu chéo trong ngân hàng được truyền đạt mới đây, đồng thời, cùng với xử lý nợ xấu, kiểm soát sở hữu chéo sẽ là nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Đánh giá về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, ông Hưng cho rằng đây là văn bản pháp lý quan trọng, khi các vướng mắc pháp lý liên quan tới tài sản đảm bảo vướng nhiều năm đã có hướng được gỡ; nếu xử lý tốt sẽ giảm được chi phí tài chính, giảm lãi suất cho vay.

"Tín dụng tăng cao, nhưng đều qua các tháng nên đã không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất, thậm chí lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên đã giảm thêm 0,5%", Thống đốc nói.

Về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ điều chỉnh lãi suất đối với đồng USD trong thời sắp tới, Thống đốc Hưng cho biết, NHNN sẽ theo sát diễn biến để điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản ngoại tệ chủ động cho nền kinh tế.

Về nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu, ông Hưng cho biết, sau 4 năm cơ cấu lại các TCTD, 3 năm triển khai đề án xử lý nợ xấu TCTD và thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC), dù đã có những kết quả bước đầu nhưng một số hạn chế vẫn còn như quy mô, năng lực của các TCTD nhỏ so với thế giới; hiệu quả và năng lực kinh doanh, quản trị chưa phù hợp với quy mô và sức tăng trưởng.

Thống đốc nhấn mạnh: "Quan điểm xuyên suốt của ngành ngân hàng là phải đảm bảo kinh tế vĩ mô trong trung dài hạn, vì thế NHNN đã sử dụng công cụ tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức thấp, tạo điều kiện để Chính phủ điều hành, ổn định vĩ mô và tạo lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài, giữ ổn định vĩ mô nhưng vẫn tăng trưởng tốt kinh tế".

Theo NHNN, từ ngày 10/7 thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay bình quân ở mức 6-6,5%/năm với kỳ hạn ngắn; 8-10% một năm ở kỳ hạn dài; khách hàng tốt 4-5%/năm. Đến cuối tháng 6/2017, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 6,82% so với cuối năm 2016, tăng trưởng tín dụng tăng 9,06% - mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây. Người đứng đầu NHNN cho rằng, tín dụng thời gian qua tăng đều qua các tháng, cơ cấu tín dụng chuyển biến, lượng tiền hiện đã chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên.

Trong bối cảnh có nhiều biến động của thị trường tài chính, tỷ giá và lãi suất của nhiều đồng tiền quốc tế, đồng tiền mạnh như USD, Thống đốc Hưng cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm nay, đạt trên 42 tỷ USD.

So với cuối năm 2016, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng thêm khoảng 1 tỷ USD, mức tăng dù thấp nhưng là đáng khích lệ trong bối cảnh Việt Nam đang nhập siêu trở lại, khoảng 2,7 tỷ USD trong nửa đầu năm.

Nguyễn Tuyền