1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thoái vốn nhà nước: Phải loại bỏ “quân xanh, quân đỏ” móc ngoặc, thao túng giá

(Dân trí) - Với kế hoạch thoái vốn nhà nước đặc biệt là tại 10 doanh nghiệp lớn, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, phương án bán phải được minh bach, công khai và có bên thứ 3 giám sát, ngăn chặn tình trạng thông đồng, bắt tay thao túng giá, trục lợi.

Phải phản ánh hết nghĩa vụ nợ trong giá trị doanh nghiệp

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiến độ thoái vốn nhà nước hiện nay, đặc biệt là với kế hoạch thoái vốn quy mô lớn tại 10 doanh nghiệp lớn vừa mới được Chính phủ thông qua?

Theo đề án của Chính phủ, dự kiến trong năm nay và 2016 sẽ thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp, kế hoạch thu về 40.000 tỷ đồng, trong đó 10.000 tỷ đồng sử dụng để bù đắp cân đối ngân sách năm 2015 do hụt thu ngân sách trung ương.

30.000 tỷ còn lại sẽ bổ sung vào nguồn thu của NSNN năm 2016 sử dụng để đầu tư một số công trình trọng điểm quan trọng có sự lan tỏa lớn.

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (ảnh: BD)
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (ảnh: BD)

Đây là kế hoạch, còn tiến trình thoái vốn như thế nào phải căn cứ vào tình hình thực tiễn. Thực tiễn đặt ra là phải thoái vốn đúng với quy định pháp luật, không để lãng phí, thất thoát, phải đảm bảo được quyền lợi của nhà nước, của doanh nghiệp và người lao động.

Để làm được điều đó, đầu tiên phải đánh giá giá trị tài sản doanh nghiệp cho sát với thị trường, công bố với thị trường lượng vốn mà nhà nước sẽ thoái. Hình thức thực hiện phải giao dịch trên thị trường chứng khoán hoặc đấu giá công khai, không để xảy ra tình trạng thông đồng.

Việc đánh giá tài sản doanh nghiệp cũng phải đánh giá đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ như nợ phải thu, nợ phải trả, nợ đọng thuế, nợ chưa thanh toán…từ đó có phương án đấu giá phần vốn nhà nước một cách hợp lý.

Kết quả thực hiện kế hoạch này như thế nào còn phụ thuộc vào tín hiệu của thị trường. Mục tiêu trong 2 năm thu được 40.000 tỷ đồng nhưng trong trường hợp vì lý do nào đó khiến tiến độ đấu giá thu được chậm hơn thì có thể ứng từ các nguồn khác, chứ không phải vì kế hoạch đã được Quốc hội duyệt mà phải bán phần vốn nhà nước bằng mọi giá.

Trong thời gian gần đây, do áp lực không được để thất thoát vốn nhà nước nên có một số lãnh đạo doanh nghiệp sợ trách nhiệm. Đây có phải là một trong những lý do lớn ảnh hưởng tới tiến độ thoái vốn không thưa ông?

Đúng là có khả năng sẽ có một số tổ chức/cá nhân nào đó không muốn bán phần vốn này. Điều này liên quan tới việc, khi thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước thì vai trò, trách nhiệm cũng như quyền hạn của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đó sẽ bị thay đổi.

Trong trường hợp 10 doanh nghiệp này chính là Tổng công ty quản lý vốn tài sản nhà nước (SCIC), song SCIC đã đề nghị Chính phủ cho phép thoái vốn nên tôi cho rằng về phía quản lý nhà nước không có sự cản trở.

Trong quá trình thực hiện bán vốn nhà nước trên thị trường phải cạnh tranh hoàn hảo, nghiêm cấm mọi sự liên kết, thao túng giá, dưới các hình thức; hoạt động bán vốn thông qua giao dịch, đấu giá rộng rãi, công khai thì mức giá là do thị trường quyết định. Còn về phía Nhà nước, khi nguồn cung cổ phần cho thị trường nhiều trong khi sức cầu thị trường ít thì có thể xác định giá sàn, dưới mức đó sẽ không bán.

Tôi cho rằng để đảm bảo một thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì giá là giá cạnh tranh, vấn đề đó không lo gì trách nhiệm cả!

Cân nhắc kỹ việc nới 100% “room” cho nước ngoài

Tuy vậy, trong trường hợp các doanh nghiệp này thoái vốn không hiệu quả thì có thể sẽ để lại những hệ lụy gì thưa ông?

Nếu thoái vốn không hiệu quả thì hệ lụy sẽ làm suy giảm tài chính nhà nước, nguồn thu của nhà nước. Thế nên tôi mới nói là phải đảm bảo bán theo giá thị trường ở điều kiện cạnh tranh hoàn hảo, không được phép chi phối, thao túng, độc quyền.

Thứ hai về cung cầu, nguồn cổ phiếu nhà nước bán không làm sốc, không làm bội thực thị trường. Hiện tại tôi lo cầu trong nước có hạn, nên phải tính đến cầu quốc tế, tức là có cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua hay không.

Theo quy định hiện tại với từng loại hình công ty, tỷ lệ bán vốn cho nước ngoài được quy định cụ thể, tùy vào ngành nghề lĩnh vực mà “room” có thể cao hay thấp.

Tôi cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành chức năng căn cứ vào tình hình thị trường, vào yêu cầu quản lý của nhà nước để xác định phần vốn bán bao nhiêu phần trăm, cho phép bán cho nước ngoài với tỉ lệ bao nhiêu để đảm bảo giá hợp lý, phần thu hồi của nhà nước ở mức tối đa.

Thoái vốn nhà nước: Phải loại bỏ “quân xanh, quân đỏ” móc ngoặc, thao túng giá - 2

Ông đánh giá như thế nào về kiến nghị của Vinamilk mới đây khi doanh nghiệp này muốn mở 100% “room” cho nhà đầu tư ngoại?

Nếu mở “room” 100% cho nước ngoài thì với sức cầu lớn, giá cổ phiếu VNM chắc chắn sẽ tăng lên. Tuy nhiên cũng phải tính đến nguy cơ toàn bộ vốn cũng như thương hiệu doanh nghiệp rơi vào tay nước ngoài.

Cho nên tôi cho rằng cũng cần phải cân nhắc, tính toán cho phép nước ngoài nắm giữ bao nhiêu để đảm bảo sự ổn định sau khi nhà nước thoái vốn, không gây xáo trộn lớn. Phải đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thương hiệu được giữ vững, chất lượng hàng hóa tăng và sức cạnh tranh tăng.

Điều này theo ông có thể tạo lên trào lưu hay không?

“Room” ngoại bao nhiêu được quy định bởi pháp luật và thẩm quyền thuộc về cơ quan nhà nước. Phải tính toán cân đối nhiều mặt, trong đó bảo đảm được lợi ích của nhà nước chỉ là trước mắt, còn nhiều yêu cầu khác về mặt kinh tế xã hội.

Với những lĩnh vực mà nhà nước không cần quản lý và cũng không phải trọng yếu với nền kinh tế, cần xã hội hóa và có nguồn lực từ nước ngoài thì có thể mở hết biên độ đến 100% kể cả nước ngoài.

Ông có nói cần lường trước hiện tường thao túng giá, bắt tay ngầm. Trên thực tế, hiện tượng này có phổ biến không?

Điều này phụ thuộc vào cách làm của chúng ta. Cũng như có bài học tại những dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn nhà nước, trái phiếu Chính phủ phải thực hiện theo Luật đấu thầu, nhưng trên thực tế có hiện tượng “thông thầu”.

Hay là chúng ta cũng đã tổ chức đấu giá trong việc mua sắm các thiết bị vật tư kỹ thuật cho các cơ quan nhà nước, cũng đấu giá công khai rộng rãi nhưng trên thực tế vẫn có “quân xanh quân đỏ”, thông thầu, liên kết với nhau.

Do vậy tôi lưu ý phải bán trong điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo, phải đánh giá đầy đủ về tính kế thừa sau khi đấu giá. Việc bán cổ phần phải minh bạch, công khai và nếu cần có thể mới báo chí và bên thứ 3 giám sát. Qua đó có thể ngăn chặn được tình trạng thông thầu, bắt tay nhau liên kết, gìm giá để thao túng.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

 

Thoái vốn nhà nước: Phải loại bỏ “quân xanh, quân đỏ” móc ngoặc, thao túng giá - 3