Thoái vốn khỏi Vinamilk: Bán "quả trứng vàng" như thế nào có lợi nhất?
(Dân trí) - Chính phủ vừa quyết định thoái vốn toàn bộ khỏi 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk – được mệnh danh là “quả trứng vàng” tỷ đô. Tuy nhiên, câu chuyện bán theo hình thức nào, thông qua sàn chứng khoán, đấu giá toàn bộ cổ phần, hay nới room để tăng quyền sở hữu đang là vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra bàn luận sôi nổi hiện nay.
Nới room của nhà đầu tư ngoại để tăng giá trị
Theo T.S Trần Du Lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM dự tính, 10 doanh nghiệp (DN) được thoái vốn lần này sẽ giúp thu về khoảng 3 tỷ USD. Các DN phần lớn đều có vai trò đặc biệt trong ngành và lĩnh vực của mình nên nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện các DN này đều đã chạm trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Lại Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng cho rằng: Một nhà đầu tư bỏ ra trên 10.000 tỷ đồng để sở hữu 10% của Vinamilk là số tiền rất lớn đối với các DN Việt Nam và nhà đầu tư Việt Nam, ông này cho rằng, năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nổi trội hơn các nhà đầu tư trong nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, còn nhiều việc để làm. Nếu muốn kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài mua, cần nới thêm tỷ lệ sở hữu cho họ để từ đó có cơ sở để nâng cao giá trị của các DN khi lên sàn hoặc tổ chức đấu giá.
“10 ông lớn tham gia thoái vốn lần này đều có những nhà đầu tư ngoại rồi. Room sở hữu của họ tại các DN thoái vốn lần này đã gần chạm trần. Chính vì vậy, cần nới room, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại sẽ tăng thêm giá trị cổ phần từ 15 – 20% giá trị và giúp nâng cao giá trị sản phẩm đưa ra thị trường trong thời gian tới”, ông Quách Mạnh Hào, chuyên gia chứng khoán cho biết.
Tuy nhiên, ông TS Nguyễn Đình Cung lại cho rằng: “Không nhất thiết phải nhà đầu tư ngoại mới chất lượng, giá mới cao. Bản thân các DN này không cần đối tác chiến lược nữa, họ là những DN lớn và quá lớn nên chúng ta không cần đi tìm đối tác chiến lược. Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu vốn, không thiếu nhà đầu tư có năng lực. Với tầm vóc cỡ Vinamilk và triển vọng kinh doanh như hiện nay, nếu đấu giá công khai, không nhất thiết phải nhà đầu tư ngoại mới chất lượng, giá mới cao. Bản thân các DN này không cần đối tác chiến lược nữa, họ là những DN lớn và quá lớn nên chúng ta không cần đi tìm đối tác chiến lược. Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu vốn, không thiếu nhà đầu tư có năng lực. DN và nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể mua được cổ phiếu của 10 DN trên và số tiền thu về không chỉ dừng lại ở 3 tỷ USD mà chắc chắn còn hơn”.
Thoái vốn bằng cách nào hiệu quả?
Hiện Chính phủ vẫn chưa đưa ra cách bán, thời hạn bán cũng như tiêu chuẩn nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đối với DN đã niêm yết, SCIC có thể thực hiện 1 trong 2 cách đó là khớp lệnh trên sàn hoặc giao dịch thỏa thuận ngoài sàn. Còn đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết, SCIC có thể thực hiện bán đấu giá một phần hoặc toàn bộ số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ. Tuy nhiên, xác định giá bán như nào để thuận lợi nhất, không làm thất thoát vốn của Nhà nước không phải là bài toán dễ đối với SCIC.
Giá bán ở đây là căn cứ vào giá thời điểm giao dịch, Giá trị sổ sách của SCIC sau khi đã loại trừ rủi ro và đưa ra mức giá trị bằng hoặc cao hơn mức giá đó. Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, mức giá bán như nào cần phải cân nhắc, chúng ta không được bán mức giá quá rẻ cho một nhóm lợi ích nào đồng thời không bán quá cao được vì nó không phải là giá của thị trường.
Theo T.S Nguyễn Đình Cung, các DN thoái vốn đang hoạt động rất tốt. Vì vậy, phải làm sao để người mua không tạo ra độc quyền, không gây thiệt hại cho thị trường. “Người ta mua doanh nghiệp đang tốt, nhưng sau đó họ có thể khiến DN đó bị thôn tính và mất đi những ưu điểm trước đó”, ông Cung lo ngại.
“Các DN này đều là những DN đầu ngành, chính vì vậy cần hết sức cẩn trọng. Nếu bán khớp lệnh sẽ có nhiều đối tượng muốn mua và nhiều người được hưởng lợi. Còn đấu giá trên sàn ít người hơn, Nhà nước thu vốn nhanh hơn nhưng những nguy cơ thôn tính là có thể xảy ra. Chúng ta nên lựa chọn nhiều hình thức, đa dạng hơn để có những phương án nào để phù hợp mục tiêu và thời điểm thực hiện”, T.S Cung nhấn mạnh.
T.S Trần Du Lịch cho hay, với quy mô vốn lớn, nếu đưa Vinamilk lên sàn chứng khoán trong một vài ngày, thị trường sẽ chao đảo ngay vì bội thực và giá lúc đó sẽ không sát thực tế. Chúng ta nên chia theo lô, đấu giá từng phần dựa trên sổ sách, cách đó là tốt nhất thời điểm hiện nay.
Còn T.S Bùi Kiến Thành nhận định: Giải pháp để chống lũng đoạn và thôn tính chính là minh bạch. Minh bạch cung cấp thông tin cho thị trường, nhà đầu tư, cho dân chúng để có thể đánh giá, giám sát được quá trình thoái vốn. Quá trình định giá, lựa chọn nhà đầu tư phải được công bố trước. Trong định giá yếu tố thị trường cần được xem trọng hơn tất cả, có thể lên, có thể xuống, miễn sao mức giá ấy công khai, minh bạch tại thời điểm bán.
Nguyễn Tuyền